Thất thu tiền thuế trong nhiều năm
Chợ Sơn Vi là trung tâm buôn bán hàng hóa tại xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao), năm 2018, chợ này được UBND xã Sơn Vi đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đến đầu năm 2019, các tiểu thương được bán hàng sau khi nộp tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, bốc thăm vị trí gian hàng.
Bước vào chợ Sơn Vi những ngày cuối tháng 11, PV Báo Lao Động ghi nhận, tại đây có cả trăm gian hàng. Tuy nhiên, các tiểu thương cho hay, việc mua bán gian hàng chỉ có thể là thỏa thuận dân sự với nhau, chưa thể được thực hiện một cách "chính danh".
Thấy phóng viên thắc mắc, 1 tiểu thương (xin được giấu tên) - cho biết, lý do là vì các tiểu thương chưa được UBND xã Sơn Vi ký hợp đồng về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ dù đã bán hàng ở đây từ năm 2019.
Khi phóng viên tiếp tục thắc mắc về việc nếu không được ký hợp đồng thì các tiểu thương những năm qua đóng các loại thuế, phí cho nhà nước như thế nào, 1 tiểu thương khác cho biết thêm, nhiều năm qua các tiểu thương không cần đóng thêm bất cứ khoản tiền nào ngoài nộp tiền xử lý rác mỗi tháng từ khoảng 30.000 đồng đến khoảng 200.000 đồng/hộ (tùy diện tích, loại hàng hóa) cho Ban quản lý chợ "ghi vào sổ" (không biên lai, phiếu thu).
Trong khi đó, theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 10.2.2017 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá thu tại chợ Sơn Vi là 4 nghìn đồng/m²/tháng.
Như vậy, có thể thấy, việc nhiều năm qua UBND xã Sơn Vi không ký hợp đồng với các tiểu thương, tiền thu thuế dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng của cả trăm tiểu thương tại chợ có dấu hiệu bị thất thu.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Chử Đức Oanh - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi - cho hay, theo ước tính, hiện tại có khoảng 150 tiểu thương đang bán hàng tại chợ Sơn Vi.
Ông Oanh thừa nhận về việc các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ không được ký hợp đồng, gây thất thu ngân sách nhà nước trong nhiều năm. Chính quyền xã Sơn Vi ở thời điểm hiện tại đang trong quá trình khắc phục những tồn tại này.
"Chính vì không ký hợp đồng nên không thu được đồng nào. Để không buông lỏng quản lý, tránh thất thu ngân sách, nhiều tháng qua UBND xã đã bắt đầu tiến hành ký hợp đồng với các tiểu thương, đồng thời siết chặt công tác quản lý chợ, đưa vào quy củ" - ông Oanh nói.
Loạn như chợ Sơn Vi
Không chỉ thất thu thuế nhà nước, mà việc quản lý chợ lỏng lẻo cũng khiến nhiều sự việc không đáng có xảy ra.
Theo các tiểu thương, thời gian qua nhiều người dân tự ý lấn chiếm, bán hàng tại chợ, nhất là khu vực xung quanh cổng chính, gây ách tắc giao thông, cạnh tranh thiếu công bằng, nhiều vụ cãi cọ đã xảy ra... Các tiểu thương vì bức xúc đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết triệt để.
Chưa hết, việc chậm trễ ký hợp đồng cho các tiểu thương còn gián tiếp khiến các tranh chấp kéo dài. Điển hình là vụ tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Thủy và 2 em gái là Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thu Thảo vì 4 gian hàng của bà Bùi Thị Tâm. Vụ việc chưa thể được giải quyết khi UBND xã Sơn Vi chưa làm hợp đồng theo nguyện vọng của bà Tâm (bà Tâm bán cho bà Thủy từ năm 2020).
Về việc này, Chủ tịch UBND xã Sơn Vi Chử Đức Oanh cho biết, hiện tại, nếu bà Tâm yêu cầu, UBND xã có thể làm ngay hợp đồng cho bà Tâm - người chủ sở hữu đầu tiên. Sau đó, bà Tâm có thể chuyển nhượng cho bất kỳ ai nếu muốn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm năm 2019, Chủ tịch UBND xã Sơn Vi là ông Bùi Văn Lâm (hiện đã nghỉ hưu), sau thời kỳ của ông Lâm là ông Bùi Văn Hào (hiện là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao), thay ông Hào là ông Chử Đức Oanh (Chủ tịch UBND hiện tại).