Hôm nay (16/9) là ngày thứ 3 lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu. Việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu được tiến hành từ ngày 14/9 và vẫn đang được cá lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ khẩn trương tiến hành.
Khoảng hơn 17h chiều 14/9, trên sông Hồng, đoạn qua xã Vĩnh Lai, huyện Lâm Thao, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể một phụ nữ ở phía hạ lưu cầu Phong Châu, cách nơi xảy ra sự cố khoảng 10km.
Qua xác minh nhận dạng, thi thể được xác nhận là bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1976, ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Bà H cũng là nạn nhân đầu tiên được tìm thấy trong số 8 người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu. Khi xảy ra sự việc thương tâm, bà Hường và chồng là ông Lương Xuân T. cùng đi trên chiếc xe máy mang BKS: 19L-31061 (cả 2 đều mất tích).
Tiếp đó, sáng qua (15/9), lực lượng tìm kiếm Công an tỉnh Phú Thọ tiếp cận một xe đầu kéo BKS 19R 0111.11 mắc kẹt dưới sông, vị trí lực lượng chức năng tiếp cận cách cầu Phong Châu bị sập gần 100m. Qua tìm kiếm, lực lượng chức năng không tìm thấy nạn nhân trong ca bin xe.
Tuy nhiên, từ đêm đến rạng sáng nay (16/9), trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục có mưa to kèm sấm sét, nước sông Hồng có lên cao thêm một chút so với chiều 15/9.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, do mưa kéo dài từ đêm đến sáng nay gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tuy nhiên, các lực lượng vẫn sẵn sàng tìm kiếm các nạn nhân.
“Việc tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang được tiếp tục với những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng chức năng trong điều kiện trời mưa to. Mực nước sông hôm nay rút chậm hơn mấy hôm trước, song các lực lượng vẫn sẵn sàng tìm kiếm các nạn nhân", ông Hùng cho hay.
Cũng theo lãnh đạo huyện Tam Nông, một công tác khác cũng được thực hiện song song với tìm kiếm nạn nhân là chuẩn bị các phương án để lắp cầu phao, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Việc lắp đặt cầu phao do Lữ đoàn Công binh 249, Lữ đoàn Công binh 543 (Binh chủng Công binh) thực hiện.
Nước sông Hồng từ ngày 14/9 đã rút nhưng dòng chảy vẫn còn mạnh, gây khó khăn cho các lực lượng triển khai phương tiện, lắp đặt cầu.
Trong khoảng thời gian này, các cán bộ, chiến sĩ công binh vẫn tích cực thay ca ngày đêm để vận chuyển vật liệu xây dựng bến vượt nhanh nhất để bắc cầu phao khi có đủ điều kiện.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Việt - Chính ủy Lữ đoàn Công binh 543: Cầu phao được lắp đặt dự kiến dài khoảng 300m, hai bên đầu cầu có đường dẫn đủ rộng để phục vụ lưu thông hai chiều. Nếu các điều kiện thuận lợi, cầu phao sẽ được lắp trong vài ngày tới.
"Lữ đoàn Công binh 543 phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh cùng cấp ủy chính quyền địa phương đang tích cực làm công tác chuẩn bị để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân cũng như phương tiện rơi xuống dòng sông. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ phối hợp với Lữ đoàn Công binh 249, Binh chủng Công binh tham gia bắc cầu phao qua sông Hồng để bảo đảm cho bà con vượt sông.
Về thời gian, căn cứ vào tình hình thời tiết cũng như lưu lượng nước trên sông, chúng tôi sẽ cố gắng với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất", Đại tá Nguyễn Xuân Việt thông tin.
Ngày 9/9, xảy ra vụ sập cầu Phong Châu do lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết dẫn đến cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Sơ bộ ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện rơi xuống cầu, trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện; 8 người mất tích...Công tác tìm kiếm có sự tham gia của khoảng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội; sẽ bố trí nhiều cano chạy dọc 2 bờ sông Hồng chở các chiến sĩ tìm kiếm dưới lòng sông.