Theo một số công nhân, ngày 30/9, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Nam Kang Phú Thọ vừa có thông báo cắt giảm một số khoản hỗ trợ của người lao động. Cụ thể, cắt giảm 30 phút ăn cơm và nghỉ ngơi, tiền trợ cấp A,B,C + tiền cắt chỉ và tiền sản lượng (đối với công nhân may).
“Khi biết được thông tin này, công nhân đã dừng máy và có cuộc đối chất trực tiếp với lãnh đạo công ty. Sau khi gặp gỡ trực tiếp đối thoại, công ty đã đưa ra một số giải pháp: Tăng tiền cơm ca cho 1 suất ăn từ 15.000 đến 20.000 đồng/suất; bổ sung tiền xăng xe cho 1 công nhân số tiền 100.000 đồng/người”, một công nhân cho biết.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Nam Kang Phú Thọ, do gặp khó khăn nên công ty đang xây dựng lại phương án sản xuất. Tuy nhiên, sáng 1/10, người lao động tại phân xưởng may đã ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi. Công ty đã tiến hành thương lượng, chuyển đổi từ hỗ trợ sản xuất A,B,C (hơn 220 người bộ phận may) sang hỗ trợ xăng xe cho hơn 600 lao động; nâng đơn giá suất ăn lên 20.000 đồng/suất. Tuy nhiên, một số người thuộc bộ phận may không đồng ý và đã lôi kéo công nhân các bộ phận ra cổng của công ty gây sức ép với chủ sử dụng lao động.
Vẫn theo báo cáo của công ty, đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Công an thành phố, Công an xã Thuỵ Vân đã đến nắm bắt tình hình, giải thích cho người lao động, nhưng sau đó người lao động không nghe và bỏ về.
Theo lãnh đạo Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, sau khi sự việc xảy ra, cán bộ công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cùng đại diện các cơ quan chức năng đã xuống ghi nhận ý kiến của công nhân và làm việc với doanh nghiệp. Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đề nghị doanh nghiệp cố gắng quan tâm để hài hoà quyền lợi của công nhân, nhất là đối với 200 công nhân xưởng may. Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tích cực tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trong sáng 3/10, cán bộ Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ tiếp tục xuống làm việc tại công ty để giải quyết vụ việc.
“Đến 11h trưa thì cuộc làm việc kết thúc, công ty đồng ý giữ nguyên tiền hỗ trợ A, B, C cho người lao động kể cả khi công ty áp dụng kế hoạch khoán sản phẩm; Giờ làm việc là 8h (nghỉ trưa 1 giờ); Tiền ăn tăng từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng/suất/tháng; Giữ nguyên tiền chuyên cần 100.000 đồng/người/tháng…”, lãnh đạo Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết thêm.