Thực hiện Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2022 - 2026, biên chế của lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn Vĩnh Phúc được sắp xếp tinh gọn, đủ thành phần và được quản lý chặt chẽ từ cấp tỉnh đến xã theo quy định với phương châm “vững mạnh, rộng khắp”.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được hơn 320 cơ sở dân quân tự vệ. Đội ngũ thôn đội trưởng được kiện toàn đầy đủ với 1.239 người ở 100% thôn, tổ dân phố, đảm bảo chất lượng, yêu cầu nhiệm vụ.
Hàng năm, thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức huy động và sử dụng lực lượng dân quân tự vệ tham gia công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác quân sự quốc phòng ở cơ sở và tham gia tích cực trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Cụ thể hóa Luật dân quân tự vệ năm 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và nhằm kịp thời động viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và thôn đội trưởng, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 02 quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với thôn đội trưởng, mức trợ cấp ngày công lao động của dân quân khi được huy động làm nhiệm vụ...
Tại Nghị quyết số 02 quy định thôn đội trưởng được hưởng mức phụ cấp là 1.340.000 đồng/người/tháng và mức trợ cấp ngày công lao động của dân quân là 250.000 đồng/người.
Theo HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, việc thường xuyên quan tâm, điều chỉnh chế độ, chính sách, phụ cấp cho thôn đội trưởng, dân quân khi thực hiện nhiệm vụ là cần thiết để kịp thời động viên, tạo động lực xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương.