Thiên nhiên hùng vĩ
Sông Chảy bắt nguồn từ Trung Quốc, lần lượt chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái rồi hợp lưu với sông Lô ở Đoan Hùng (Phú Thọ), nhưng đoạn qua huyện Si Ma Cai và Bắc Hà (Lào Cai) là thơ mộng nhất. Nếu như mùa nước lớn, con sông mênh mang kỳ vĩ, thì đến mùa nước cạn, con sông hiền hòa, dịu êm.
Dọc theo đôi bờ sông Chảy, là những hang động tuyệt đẹp như hang Tiên với muôn vàn khối thạch nhũ lung linh kì ảo, thác nước Tà Lâm, những cánh rừng gỗ nghiến xanh ngắt. Trên những vạt rừng nhô ra hai bên bờ sông, hoa chuối rừng đua nhau khoe sắc đỏ.
Vào mùa xuân, những cây hoa gạo (hoa mộc miên) đua nhau khoe sắc, rực rỡ đôi bờ. Dọc bờ sông là bản làng của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, là các chợ vùng cao Bắc Hà, chợ Cốc Ly… với nhiều nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Cầu Mây tại xã Tả Van, huyện Sapa (Lào Cai) luôn là điểm đến hoang sơ đầy thích thú với khách du lịch. Nhật Anh – TTXVN |
Dòng sông Gâm chảy qua Cao Bằng, Hà Giang, cùng với dòng Nho Quế, sông Năng cuối cùng nhập vào sông Lô rồi đổ vào khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ðây là thủy lộ tuyệt đẹp, với những dãy núi đá mờ sương, trùng điệp trải dài đôi bờ; những cánh rừng già âm u, thanh vắng; những bản làng dân tộc Mông mộc mạc, cheo leo bên thác nước; những chiếc thuyền con lặng lẽ buông câu dưới vách đá mọc đầy hoa rừng...
Nếu ai đã từng một lần du thuyền xuôi theo dòng sông Gâm, hẳn sẽ bị mê đắm bởi cảnh sắc thơ mộng, hùng vĩ nơi này. Dọc chiều dài hàng trăm kilômét, sông Gâm uốn lượn theo hình cánh cung, giữa những dãy núi cao ngất, tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Không gian hai bên bờ sông Gâm còn quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp của những ngọn thác đổ xuống lòng sông tung bọt trắng xóa. Những bản làng dân tộc yên bình dọc bên bờ sông cũng trở thành những điểm dừng chân thú vị với du khách. Khi đến khu vực lòng hồ Na Hang, thuộc tỉnh Tuyên Quang, du khách lại ngỡ ngàng với hàng trăm ngọn núi đá vôi kỳ vĩ.
Đặc biệt là ngọn núi đá có tên là Vài Phạ (đồng bào dân tộc Tày gọi đây là “cọc cột con trâu trời”), cao hàng trăm mét, sừng sững trong lòng hồ.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam): Khai thác theo lộ trình Du lịch đường sông cũng là một trong những tiềm năng phát triển của vùng Tây Bắc. Theo tôi, việc khai thác sản phẩm du lịch đường sông vùng Tây Bắc là cần thiết, nhưng chúng ta cần có những ưu tiên nhất định, trong những giai đoạn nhất định. Chúng ta không nên sốt ruột, là ngay trong ngày mai, trong năm sau phải khai thác ngay, mà chúng ta cần khai thác từng bước. Cụ thể, chúng ta cần tính toán xem có thể tập trung khai thác sản phẩm nào, giai đoạn nào hiệu quả nhất, và tạo được bước phát triển nhanh nhất, chứ không nên và cũng không thể tìm mọi cách khai thác tất cả các tiềm năng trong cùng lúc. Để khai thác tiềm năng một sản phẩm du lịch, trước hết, cần tính đến khả năng quản lý của các ngành, các địa phương, khả năng xây dựng phát triển sản phẩm và tạo ra sản phẩm có sức thu hút, để sản phẩm có thể bán được. Bên cạnh đó, các địa phương cần tính đến các dịch vụ đi kèm đã sẵn sàng đón khách hiệu quả hay chưa? Làm thế nào để khách hài lòng, khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn… Có như vậy, mới không bị lãng phí tiềm năng và du lịch mới phát triển bền vững. |
Tương tự, du lịch trên dòng sông Đà, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh đẹp của những hang động kỳ vĩ, non nước hữu tình, mà còn có cơ hội tìm hiểu, khám phá đời sống văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Xinh Mun, Dao… tham gia những phiên chợ nổi trên sông, thăm những di tích lịch sử dọc bờ sông như phế tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long, viếng đền vua Lê Thái Tổ và bia Lê Lợi trên địa bàn Lai Châu…
Thung Nai (Hòa Bình) được ví như Hạ Long trên cạn, với những hòn đảo nhỏ nằm nhấp nhô trên một vùng hồ rộng lớn, tạo nên một khung cảnh lãng mạn trữ tình, đặc biệt là trong ánh hoàng hôn. Nơi đây, đã có một số doanh nghiệp làm du lịch bằng việc cho thuê nhà nghỉ, phục vụ ăn uống, du thuyền ngắm cảnh, tham quan trên hồ... Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chúng ta có quy hoạch tốt và thực hiện đồng bộ thì Thung Nai sẽ trở thành một nơi tiêu biểu của du lịch đường sông.
Không chỉ có những con sông dài, vùng Tây Bắc còn có nhiều hồ lớn, với cảnh sắc tuyệt đẹp, hút hồn du khách. Đó là hồ Thác Bà (tỉnh Yên Bái), một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam. Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) từng được trang web MSN bình chọn là một trong 16 hồ đẹp nhất thế giới. Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Pa Khoang (Điện Biên), hồ Na Hang (Tuyên Quang), thác Bản Giốc (Cao Bằng)… bên cạnh cảnh quan đẹp, xung quanh các hồ còn có những bản làng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... với những nét văn hóa đặc sắc, hút hồn du khách…
Một thực tế là, xưa nay, mỗi khi nhắc tới vùng Tây Bắc, những người làm du lịch và du khách thường nghĩ ngay đến các di tích, những địa danh nổi tiếng, như di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), Sapa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)... Đây là các tuyến điểm khá phổ biến, được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, cũng là những tour tuyến đã khá cũ kỹ, rất khó kéo được du khách quay trở lại những lần sau.
Trong khi đó, lợi thế về hệ thống sông ngòi, ao hồ và cảnh quan tuyệt đẹp… là những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh du lịch vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, những tour du lịch trên các sông, hồ này vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt là các tour du lịch đường sông vùng Tây Bắc, đến nay hầu như chưa được khai thác là một điều đáng tiếc.
Lộ diện nhiều tour hấp dẫn
Với kinh nghiệm trên 30 năm khai thác dịch vụ lữ hành, ông Trần Thế Dũng, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh cho rằng, sông Đà ở Tây Bắc và dòng sông Gâm, sông Năng ở Đông Bắc, dài hàng trăm cây số, được hình thành sau khi các công trình thủy điện Sơn La và Tuyên Quang tích nước.
Đây là cũng những dòng sông tuyệt đẹp, uốn lượn quanh những dãy núi kỳ vĩ, những cánh rừng nguyên sinh đan xen, tạo nên những bức tranh thủy mặc khổng lồ.
Bản du lịch Cát Cát, Sapa, tỉnh Lào Cai. Nhật Anh – TTXVN |
Theo ông Trần Thế Dũng, ưu điểm của những thủy lộ này không chỉ thuận lợi khi kết nối với cung đường bộ, làm sản phẩm du lịch Tây Bắc, Đông Bắc thêm phong phú, mà còn giúp cho du khách lấy lại sức, giảm mệt mỏi sau những ngày di chuyển qua các đường đèo hiểm trở trên đường bộ.
Thêm vào đó, những tuyến đường thủy dài hàng trăm cây số, kết nối với các quốc lộ và vươn xa tới các thị xã, những nơi có di tích, thắng cảnh. Chẳng hạn, phía Tây Bắc, nếu xuôi dòng sông Đà từ Mường Lay sẽ lần lượt đến Tủa Chùa (Điện Biên), Quỳnh Nhai và kết thúc tại công trình thủy điện Sơn La. Thậm chí từ Mường Lay nếu ngược dòng chắc hẳn đến phế tích dinh thự vua Thái Đèo Văn Long - đền Lê Thái Tổ - bia Lê Lợi (Lai Châu).
Ở phía đông bắc, từ Bắc Mê (Hà Giang) xuôi dòng sông Gâm hướng tới vùng Na Hang (Tuyên Quang) mất khoảng 6 tiếng đồng hồ, còn nếu tiếp tục ngược dòng sông Năng, du khách sẽ đặt chân đến hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Song song với trục đường dài trên sông Đà, sông Gâm còn có tuyến đường ngắn của sông Chảy (Lào Cai), Kỳ Cùng (Lạng Sơn), Quây Sơn (Cao Bằng) chảy dọc vùng thượng du biên giới cũng hứa hẹn tạo nhiều sản phẩm du lịch mới lạ.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Vietravel: Phát huy lợi thế Nói đến sản phẩm du lịch đường sông, người ta nghĩ ngay đến miền Tây, nhưng thực sự ai đã từng sử dụng sản phẩm du lịch đường sông vùng Tây Bắc, sẽ thấy đây là một sản phẩm rất đặc sắc. Tuy nhiên, chúng ta chưa được đầu tư kỹ, nên chúng ta chưa có sản phẩm du lịch đường sông tốt ở Tây Bắc, mà nó vẫn còn đang trong giai đoạn là sản phẩm tiềm năng. Bản thân các doanh nghiệp du lịch như chúng tôi luôn mong muốn có một sự gắn kết các đơn vị du lịch vùng Tây Bắc, để phát triển tốt hơn sản phẩm này. Chúng tôi cũng mong các địa phương, các nhà đầu tư chú trọng đến việc đầu tư tốt hơn cho bến bãi, để sản phẩm du lịch đường sông Tây Bắc có thể phát triển. |
Ông Trần Thế Dũng cho rằng, nếu kết hợp đường thủy kể trên, sẽ không chỉ đi tắt rút ngắn thời gian, mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch Tây Bắc, Đông Bắc thêm hấp dẫn, phong phú.
Du khách chắc chắn sẽ rất thú vị khi được trải nghiệm trên những dòng sông trong xanh biếc, nằm ở nơi sơn cùng thủy tận, với những cánh rừng nguyên sinh, những núi đá vôi muôn hình vạn trạng ẩn hiện… Rồi những bản làng thơ mộng của bà con người Thái, Tày, Dao, Mông... sinh sống hai bên bờ, cũng là những trải nghiệm rất ấn tượng với du khách.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhiều năm qua, ngành du lịch các địa phương vùng Tây Bắc lại chưa quan tâm tới những tuyến thủy lộ đó, nên vẫn chưa có được những tour du lịch có chất lượng phục vụ du khách.
Hiện nay, một số du khách có nhu cầu ngắm sông, ở một số địa điểm, người dân dùng thuyền sắt, bè để vận chuyển. Song, đây hầu hết là các hoạt động tự phát của người dân trong vùng tận dụng phương tiện sẵn có để cải thiện đời sống, hoặc một vài doanh nghiệp tư nhân phục vụ khách du lịch, nên chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan thắng cảnh trong địa bàn, chứ khó bề đảm bảo an toàn khi đi đường xa.
Ông Trần Thế Dũng cho biết, Công ty du lịch Thế hệ trẻ là một trong những đơn vị tiên phong đưa sản phẩm du lịch đường sông vùng Tây Bắc vào tour. Chẳng hạn, vùng Đông Bắc, có tour cao nguyên đá Đồng Văn - hồ Ba Bể - thác Bản Giốc - ải Chi Lăng với điểm nhấn là "Xuôi dòng sông Gâm - ngược dòng sông Năng". Vùng Tây Bắc, có tour cao nguyên Bắc Hà - Sapa - Điện Biên - thung lũng Mai Châu với điểm nhấn là thủy lộ độc đáo ngược dòng sông Đà.
Với tour thủy lộ đặc biệt này, lượng khách của Thế hệ trẻ tăng dần. Đặc biệt, tour sông Gâm phía đông bắc, số lượng khách quay trở lại cùng gia đình và người thân là 16%. Vùng Tây Bắc, vì mới đưa sông Đà vào hành trình cách đây 3 năm, nên lượng khách quay trở lại đạt khoảng 8%.
Tỉnh Lào Cai cũng đưa vào khai thác tour du lịch khám phá sông Chảy bằng thuyền, để phục vụ du khách. Trong hành trình khám phá sông Chảy, du khách ghé thăm những bản làng của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy dọc hai bờ sông. Ghé thăm phiên chợ vùng cao Bắc Hà, chợ Cốc Ly nổi tiếng, qua thị trấn Si Ma Cai… tìm hiểu văn hóa của đồng bào các dân tộc, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương. Tuyến du lịch này từ khi đưa vào khai thác cũng đã thu hút khá đông du khách tham gia.
Một số hồ như hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Pa Khoang (Điện Biên), hồ Na Hang (Tuyên Quang), thác Bản Giốc (Cao Bằng)… ngày càng có nhiều du khách ghé thăm, cho thấy tiềm năng to lớn của việc khai thác sản phẩm du lịch đường sông vùng Tây Bắc.
Còn nhiều việc phải làm
Theo các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Tây Bắc phát triển chưa xứng với tiềm năng có nhiều nguyên nhân, như nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu và yếu, cơ sở hạ tầng về du lịch vùng Tây Bắc còn chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng dịch vụ chưa cao… Đặc biệt, Tây Bắc đang thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều địa phương vẫn khá lúng túng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và quanh quẩn theo lối mòn, thiếu những sản phẩm đặc trưng. Đơn cử, Hà Giang nổi tiếng với hoa tam giác mạch, thì giờ đây, ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La cũng có tam giác mạch. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai đều xây dựng những bản du lịch cộng đồng, khám phá văn hóa đồng bào dân tộc bản địa…
Ông Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai: Bảo đảm an toàn cho du khách Trước đây, Lào Cai đã từng tổ chức khai thác tour du lịch trên sông Chảy có hiệu quả, nên tôi cho rằng, du lịch đường sông vùng Tây Bắc hoàn toàn có thể làm được, thậm chí làm tốt, nhất là vùng thủy điện trên dòng sông Đà rất hấp dẫn. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch loại hình này, chúng ta cần lưu ý 2 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, là cần phải tìm ra được cái riêng của từng loại đường sông, từ đó có thể đầu tư riêng từng loại thuyền, bè, cách trang trí, cách ứng xử… Thứ 2 là phải đảm bảo an toàn hàng đầu cho du khách, bởi với du lịch đường sông an toàn của du khách là quan trọng nhất. Nếu làm được điều này, thì du lịch đường sông vùng Tây Bắc sẽ phát triển tốt. |
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc điều hành Threeland Travel, một doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhận định, Tây Bắc là khu vực còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp du lịch. Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng thừa nhận, Tây Bắc đang có xu hướng đi vào vết xe của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là, từng nơi không định vị được chính xác dòng sản phẩm mong muốn của mình. Một dải mấy tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Lai Châu, Điện Biên là vùng cư trú của người Thái và hầu hết các tỉnh đều sử dụng định vị văn hóa, lễ hội của người Thái làm chủ đạo trong công tác xúc tiến quảng bá.
Chính vì vậy, các điểm du lịch Tây Bắc chỉ giữ chân được khách du lịch được 1 - 2 ngày. Việc cần thiết hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra các dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khác nhau của khách hàng, dẫn tới có thể giữ chân khách ở lại lâu hơn và qua đó tiêu dùng nhiều hơn. Theo ông Tùng, trong số rất nhiều sản phẩm du lịch để lựa chọn, thì du lịch đường sông là một trong những sản phẩm có thể khai thác, với việc tận dụng tài nguyên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, lòng hồ thủy điện Sơn La, sông Gâm, sông Đà…
Ngay từ năm 2010, Tổng cục Du lịch, ngành du lịch địa phương đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tuyến du lịch sông Gâm, sông Đà, nhằm kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho các công ty lữ hành hợp tác mở tour. Tuy nhiên, do sự nghèo nàn của cơ sở hạ tầng tại chỗ, cùng với tâm lý ngại khó của nhiều doanh nghiệp lữ hành, nên dù ai cũng thừa nhận du lịch đường sông vùng Tây Bắc rất hấp dẫn, nhưng vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch độc đáo này.
Nói về các giải pháp phát triển du lịch đường sông vùng Tây Bắc, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều có chung ý kiến, ngành du lịch cần có định hướng phát triển và những giải pháp cụ thể, khả thi.
Đó là xây dựng quy hoạch, tìm nguồn vốn đầu tư vào tuyến thủy lộ như khai mở bến bãi, tổ chức kết nối các điểm du lịch giữa các địa phương, các vùng, tạo điều kiện cho các chủ thuyền trên sông đầu tư thuyền bè… từ đó hình thành các tuyến điểm tham quan trên các sông, hồ để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, ngành du lịch và các địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia đầu tư thuyền hoạt động đường dài cùng các loại hình dịch vụ, thiết lập tuyến điểm du lịch đường sông cùng hệ thống tổ chức phục vụ du lịch được bài bản, an toàn.