Phận đời lay lắt ở xóm chạy thận sắp giải tỏa phố núi

11/12/2024 09:13

Giữa phố núi Điện Biên, một xóm “chạy thận" với rất nhiều số phận mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo vẫn đang leo lét nuôi hy vọng...

Phận đời lay lắt ở xóm chạy thận sắp giải tỏa phố núi

Cảnh thường ngày ở xóm “chạy thận" tại bản Noong Bua, phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Bình

Những con người hàng chục năm đi chạy thận

Trong lòng TP Điện Biên Phủ, tại bản Noong Bua (phường Noong Bua), có một xóm trọ nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao câu chuyện xúc động. Người ta thường gọi nơi đây là “xóm chạy thận”, bởi gần như tất cả cư dân đều mang trong mình căn bệnh suy thận quái ác.

Xóm trọ nằm không xa Bệnh viện Đa khoa tỉnh, như một điểm tựa cho những bệnh nhân nghèo. Họ đã gắn bó với xóm trọ này suốt nhiều năm, thậm chí có người đã sống ở đây đến 5-6 năm. Cách 1 ngày, những bệnh nhân trong xóm lại phải đến bệnh viện để chạy thận 1 lần.

Vào 17h hàng ngày, trong căn bếp chung của xóm lại trở nên nhộn nhịp.

Vào 17h hàng ngày, trong căn bếp chung của xóm lại trở nên nhộn nhịp.

Đang được vợ chăm sóc tại xóm “chạy thận”, anh Vừ A Só (38 tuổi, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên) đã có 13 năm chống chọi với căn bệnh này. Nhớ lại quãng thời gian đầu, anh Só cho biết: “Hồi trước, đi làm cầu tay ở Hà Nội, để có tiền chữa bệnh, tôi phải bán cả con bò của gia đình. Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh quái ác, sức khỏe của tôi ngày càng yếu đi. Một lần khi về nhà, tôi đã không may bị ngã và giờ đây, hai chân bị liệt, buộc tôi phải sống phụ thuộc vào chiếc xe lăn”.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các nhà hảo tâm, gánh nặng cuộc sống của các bệnh nhân đã phần nào được vơi đi. Những phần quà thiết thực như gạo, tiền mặt đã giúp vượt qua những khó khăn chồng chất. “Đặc biệt, bà chủ nhà trọ rất tốt bụng, miễn phí tiền phòng cho các bệnh nhân. Còn về việc chạy thận, chi phí đã được bảo hiểm y tế thanh toán” - anh Só nói.

Bà Hoàng Thị Quyến (vợ ông Ánh) sống ở xóm gần 6 năm nay.

Bà Hoàng Thị Quyến (vợ ông Ánh) sống ở xóm gần 6 năm nay.

Xóm “chạy thận” là “ngôi nhà chung” của 19 bệnh nhân nghèo, tất cả đều đang chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính. Trong căn phòng trọ xập xệ chưa đầy 10 m2, ông Lù Văn Ánh (64 tuổi, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay) cùng vợ già đang gắng gượng sống gần 6 năm nay.

Nói về hoàn cảnh gia đình, ông Ánh nghẹn ngào nói: “Gia đình mình khó khăn lắm, có 3 con trâu cũng bán hết rồi, có gì là bán hết rồi”. Dù bữa ăn chỉ có cơm với canh, cuộc sống đầy vất vả, nhưng họ vẫn cố gắng bám trụ, hy vọng kéo dài sự sống.

Mỗi sáng vào lúc 9h và 17h, căn bếp chung của xóm lại trở nên nhộn nhịp. Các bệnh nhân cùng nhau nấu ăn, họ không chỉ là những người bệnh, mà còn là những người bạn, người thân, cùng nhau san sẻ những gánh nặng của cuộc đời.

Trong căn phòng trọ xập xệ chưa đầy 10m2 của anh Vừ A Só đã có 13 năm chống chọi với căn bệnh này.

Trong căn phòng trọ xập xệ chưa đầy 10 m2, anh Vừ A Só đã có 13 năm chống chọi với căn bệnh này.

Xóm "chạy thận" sắp giải tỏa

Bà Lò Thị Dỉnh (bản Noong Bua, phường Noong Bua) là chủ nhà trọ, cho biết: “Tôi dành một phần xóm trọ của mình để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những người phải chạy thận. Thay vì thu 300.000 đồng như bình thường, tôi miễn phí tiền trọ và chỉ thu 100.000 đồng để trả tiền điện nước. Tôi đã làm như vậy từ năm 2018 đến nay”.

Tuy nhiên, bà Dỉnh cũng bày tỏ sự lo lắng khi khu đất này nằm trong quy hoạch dự án xây dựng Khu trung tâm hành chính - chính trị tỉnh sắp bị giải tỏa. “Tôi rất lo cho các bệnh nhân và những người đang thuê trọ ở đây, không biết là họ sẽ đi đâu, về đâu…” - bà Dỉnh cho hay.

Mỗi tuần các bệnh nhân sẽ chạy thận 3 lần tại bệnh viện.

Mỗi tuần các bệnh nhân sẽ chạy thận 3 lần tại bệnh viện.

Theo bà Dỉnh, nếu phải chuyển đi, bệnh nhân sẽ khó tìm được chỗ ở mới với giá cả phải chăng. Ở những khu vực khác, phòng trọ tương tự có thể lên tới 300.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Dù vậy, đây là quy hoạch của tỉnh nên không biết phải làm thế nào.

“May mắn là có nhiều nhà hảo tâm thường xuyên đến hỗ trợ gạo, mắm muối và các nhu yếu phẩm khác cho mọi người. Nhờ vậy, cuộc sống của họ phần nào được đỡ đần” - bà Dỉnh thông tin thêm.

Tại tỉnh Điện Biên, có gần 200 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, trong đó có nhiều người trẻ từ 18-30 tuổi chiếm trên 30%.

Nước ta, có khoảng 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, tỉ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, số ca mới được chẩn đoán khoảng 8.000 ca.

Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân, tuy nhiên hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân. Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm.

QUANG ĐẠT - THANH BÌNH