Nút thắt cổ chai tại 2 dự án cao tốc qua Lạng Sơn, Cao Bằng

03/04/2025 09:00

Lạng Sơn - 2 dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang chạy đua tiến độ để nỗ lực thông tuyến trong năm 2025.

Nút thắt cổ chai tại 2 dự án cao tốc qua Lạng Sơn, Cao Bằng

Nhà thầu thi công tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đoạn qua huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Khánh Linh

Trong bức tranh phát triển hạ tầng chiến lược vùng Đông Bắc, hai dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị – Chi Lăng được xem là những “mạch máu” giao thông mới, mang sứ mệnh kết nối cửa khẩu quốc tế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy thương mại biên giới.

Tuy nhiên, trên thực địa, cả hai dự án đang gặp không ít trở ngại, đặc biệt ở khâu giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật – những "nút thắt cổ chai" cần được tháo gỡ.

Theo báo cáo, giai đoạn 1 của dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài hơn 93 km, tổng mức đầu tư gần 14.114 tỷ đồng.

Bình đồ tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và 2 dự án kết nối. Ảnh: Vũ Khuyên

Bình đồ tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và 2 dự án kết nối. Ảnh: Vũ Khuyên

Đến thời điểm hiện tại, đã có 70 mũi thi công được triển khai trên toàn tuyến, huy động hơn 2.000 nhân sự và gần 1.000 thiết bị máy móc. Giá trị sản lượng đạt khoảng 2.334 tỉ đồng, tương đương 22,3% giá trị hợp đồng.

Cũng theo tìm hiểu của PV, dù tốc độ thi công có chuyển biến, nhưng việc chậm bàn giao mặt bằng tại nhiều vị trí trọng điểm đang kìm hãm nhịp độ triển khai.

Tại tỉnh Lạng Sơn, mới bàn giao được 387/458 ha, đạt 84,5%, còn 87 hộ dân chưa di dời. Tỉnh Cao Bằng đạt tỉ lệ 88%, vẫn còn 85 hộ chưa bàn giao nhà và đất ở.

Đặc biệt, còn khoảng 158 hộ tại huyện Thạch An và Quảng Hòa đang thiếu đất tái định cư, gây đình trệ kéo dài.

Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh qua địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Khánh Linh

Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh qua địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Khánh Linh

Song song với đó, với chiều dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng được kỳ vọng sẽ hoàn thiện “mắt xích cuối” trong trục hành lang cao tốc nối Lạng Sơn - Hà Nội.

Tuy nhiên, tiến độ thi công đến nay mới chỉ đạt 11,66% giá trị hợp đồng.

Dù các nhà thầu đã tăng cường thêm 239 nhân sự, 226 thiết bị kể từ tháng 3.2025 và bổ sung 5 mũi thi công, nhưng công trường vẫn chưa có mặt bằng liền mạch.

Toàn tuyến có 497 hộ dân phải di dời, nhưng mới có 81 hộ bàn giao mặt bằng. Hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật như cột điện cao thế, đường viễn thông, tín hiệu đường sắt vẫn chưa được di dời.

Những ngôi nhà giữa đường tại tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh: Khánh Linh

Những ngôi nhà giữa đường tại tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh: Khánh Linh

Một trong những vấn đề lớn hiện nay là hiện tượng thi công “xôi đỗ” .

Cũng theo thống kê, trên toàn địa bàn Lạng Sơn, có tới 828 vị trí công trình điện chưa di dời, bao gồm cả cột điện 110kV.

Hạ tầng viễn thông, đường nước, tín hiệu đường sắt… cũng đang nằm chờ tháo gỡ.

Ông Vũ Xuân Huy - Giám đốc Ban điều hành Công ty cổ phần đầu tư ĐCT 559 - một nhà thầu thi công chia sẻ: "Chúng tôi đã huy động trên 140 đầu xe, máy, thiết bị các loại và trên 400 kỹ sư, công nhân thi công trên công trường, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công trên tuyến. Tuy nhiên, việc mặt bằng "xôi đỗ" ảnh hưởng khá nhiều đến việc triển khai thi công".

Nhiều đoạn tuyến không thể triển khai mố cầu, cọc khoan nhồi, cống hộp, hầm chui khiến công trường bị chia cắt, giảm hiệu quả thi công đồng bộ.

Cả hai dự án này đều nằm trong danh sách các công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 3.2025. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất.

Các tuyến cao tốc đã, đang và sẽ triển khai tại phía Bắc. Ảnh: ĐVCC

Các tuyến cao tốc đã, đang và sẽ triển khai tại phía Bắc. Ảnh: ĐVCC

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho hay, hiện nay, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực vào cuộc, ngày, đêm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Theo ông Tuấn, chính quyền các cấp đã vận động người dân tạm thời ra ở nhà tạm để bàn giao mặt bằng. Các nhà đầu tư cũng khẳng định sẵn sàng tăng cường mũi thi công, máy móc, nhân lực ngay khi có mặt bằng sạch.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thông tuyến, cần một kế hoạch rõ ràng với các mốc bàn giao cụ thể, tránh tình trạng chờ đợi dây chuyền và thi công cầm chừng.

 

Khánh Linh