Vang bóng một thời
Nhắc đến Tuyên Quang xưa, hẳn ai cũng nhớ đến phố cát cót củi phên Xuân Hòa, phố thợ may ở chợ Tam Cờ, phố gò hàn ở Hưng Thành hay làng Tằm ở Nông Tiến…
Cụ Tuất nhập cót từ Chiêm Hoá về, cung cấp cho khách có nhu cầu
ẢNH: THANH TÙNG
Thời hưng thịnh, những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cả dãy phố ở tổ 6, P.Minh Xuân luôn nhộn nhịp. Cụ bà Vũ Thị Tuất, năm nay đã 88 tuổi, vẫn nhớ cái tên phố mình những năm 90 là con phố CCCP- nghĩa là phố của cát, cót, củi, phên.
Với lợi thế trên bến dưới thuyền, phố Xuân Hòa trở thành nơi trung chuyển, giao lưu, buôn bán các loại hàng hóa do tiểu thương vận chuyển bằng thuyền về bến đò thị xã, trong đó nghề đan cót từng hưng thịnh đến độ, tổ đan cót ở Xuân Hòa không khi nào làm hết việc.
Nhà cụ Tuất có 7 người con. Ngày mua nứa về cưa, pha, chẻ nan, đêm về đua nhau đan cót, nhộn nhịp như một hợp tác xã thu nhỏ. Cót đan đến đâu, Hợp tác xã 19.8 thu mua đến đấy. Con trai cụ Tuất là ông Trần Văn Điền cười hỉ hả, không giấu được tự hào: "Thấy bảo cót Xuân Hòa được thu mua để xuất khẩu đấy!". Chẳng thế mà cái nghề đan cót ở Xuân Hòa ngày ấy đã giúp biết bao hộ gia đình nuôi sống cả một bầy con. Như nhà cụ Tuất, 7 đứa con của cụ được nuôi lớn, nhờ cái nghề tưởng chừng như đơn giản ấy.
Với những người gắn bó với thành Tuyên, phố xưa nghề cũ là một ký ức đậm nét. Trong tiệm may Thanh Lịch, ở phường Minh Xuân, người thợ già Nguyễn Văn Nhỏ vẫn cặm cụi bên chiếc bàn cắt may. Ông là chứng nhân hiếm hoi còn sót lại của phố thợ may khu vực Tam Cờ ngày nào.
Những tiệm may còn lại ở trên phố Minh Xuân
ẢNH: THANH TÙNG
Ông Nhỏ kể, phố thợ may ngày ấy đông lắm. Nghề đã trải qua nhiều đời, đời nọ nối tiếp đời kia. Như gia đình ông, từ đời ông bà, bố mẹ đều biết may đo. Bản thân ông cũng thành thạo nghề từ những năm 15 - 16 tuổi. Ban đầu là học cắt chiếc áo phông, khéo hơn một chút thì được dạy may đo áo sơ mi. Rồi dần dà học đến cắt may comple veston…
Vải vóc ngày ấy đều là vải được cấp phát theo tem phiếu. Người thợ may phải rất khéo léo để làm sao người to béo cũng vừa vặn với đúng khổ vải cấp phát.
Sau này, mở cửa thị trường, nhiều thợ may có cơ hội "ăn nên làm ra", hình thành tên tuổi, như tiệm may áo dài Huệ Ba, Hợp Vinh, Tâm Lan… Ông Nhỏ cũng chuyển từ phố Tam Cờ sang Minh Xuân, mở tiệm may Thanh Lịch, và cần mẫn theo nghề đến giờ.
Mong manh giữ nghề…
Người dân Tuyên Quang vẫn tự hào ví rằng: "Nếu như Hà Nội có phố Hàng Thiếc thì Tuyên Quang cũng có phố Hàng Thùng".
Trước đây, nhắc đến khu phố An Tường là người ta nhớ ngay đến các nghề gò, hàn thùng gánh nước, ô doa và những đồ dùng phục vụ sinh hoạt và công cụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ với kinh nghiệm cha truyền con nối, những người thợ nơi đây tạo ra hầu hết sản phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày, từ gáo múc nước, hòm đựng quần áo, thùng gánh nước, ô doa tưới cây, ống máng hứng nước mưa…, cho tới những món đồ mới xuất hiện những năm gần đây, như khuôn làm bánh, lò đun, lò hóa vàng, bể nước treo, quạt thông gió điều hòa…
Phố gò hàn ở Hưng Thành giờ vẫn được nhiều hộ giữ nghề
ẢNH: THANH TÙNG
So với các nghề truyền thống cùng thời, thì nghề gò hàn có tương lai hơn, như cách những người thợ lành nghề ở đây vẫn tự hào là nó sẽ không bao giờ mất đi, mà chỉ càng ngày càng phát triển.
Ông Lê Xuân Điệp, Bí thư chi bộ Tổ 1, P.An Tường, cũng là người thợ lành nghề ở phố này. Ông Điệp là đời thứ 3 theo nghề, và đến giờ, con ông là đời thứ 4. Thời điểm hoàng kim, cả phố theo nghề. Khách đến đầu ngõ đã nghe tiếng gõ nhộn nhịp, rộn ràng, mà người ở phố vẫn nói vui là nghề "gõ ra tiền". Trong những ngôi nhà ấy, đàn ông cắt tôn làm những đồ lớn, đàn bà cũng chẳng ngại làm những thứ nhỏ như cái muôi, cái vá...
Gần nhà ông Điệp, ông Lê Ngọc Tuấn cũng cải tạo nhà để làm xưởng sản xuất. Ông Tuấn năm nay đã hơn 70 tuổi. Trong nhà, giờ chỉ còn ông theo nghề. Ông cho biết, nghề này mang đến cho ông nguồn thu nhập xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng, đủ nuôi con thành đạt, giờ vẫn dư dả nuôi thêm người cháu đang học đại học.