Nằm trong vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đồi Mâm Xôi ở xã La Pán Tẩn là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có một danh thắng Mâm Xôi như hiện nay, gia đình bà ở Lù Thị Lỳ ở thôn Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn đã phải dành không ít công sức và tâm huyết, khai hoang, “điểm tô” để “mâm xôi vàng” này mỗi ngày một đẹp hơn.
Sau một ngày lao động, tối mịt, bà Lỳ mới có thể ngồi trò chuyện và câu chuyện bắt đầu từ vụ xuân này: đồi Mâm xôi và nhiều thửa ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn đều không thể sản xuất do thiếu nước. Vì thế, bà con thường thả trâu, bò ra ruộng gây hư hỏng bờ và cảnh quan đồi. Những lúc như vậy, gia đình bà Lỳ phải phân công nhau ra trông coi, sửa chữa, bảo vệ ruộng.
Bà Lỳ cho biết, để có một đồi Mâm Xôi đẹp như hiện nay, gia đình bà đã trải qua quãng thời gian khai hoang vất vả, không quản nắng mưa để bảo vệ, sửa chữa và gìn giữ vẻ đẹp bất tận, hiếm có của Mâm Xôi này. Từ cuối tháng 5 hàng năm, bà cùng gia đình đã phải đi nạo vét mương dẫn nước từ đầu nguồn về ruộng khoảng 5km, để chuẩn bị làm đất, gieo mạ, cày cấy.
Bà còn nhớ, hơn 30 năm trước, đồi Mâm Xôi chỉ là một ngọn núi như bao ngọn núi khác. Sau khi lấy nhau, hai vợ chồng bà mới xuống đó tiến hành khai hoang… Hơn 2 tháng ròng rã đào đắp, san gạt đất đá, không kể ngày đêm, với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, vợ chồng bà đã tạo được một thửa ruộng ngay trên đỉnh núi. Đồi núi ở đây nhiều đá nên việc khai hoang rất khó khăn, vừa dùng cuốc xẻng đào vừa phải dùng tay nhặt đá nên có ngày chỉ san đào được 1 đến 2 m2 ruộng. Nhưng vì để có ruộng cấy lúa để ăn nên vợ chồng bà vẫn quyết tâm.
Đến nay, đồi Mâm Xôi này không chỉ cho gia đình thu về từ 17 đến 20 bao thóc mỗi vụ, mà còn là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm, giúp gia đình có thêm thu nhập.
Để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo chiều cao, độ đồng đều, gia đình bà Lỳ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, từ khâu bón phân đến phòng, trừ sâu bệnh. Đặc biệt, để đảm bảo đủ nước cho cây lúa, vụ nào gia đình bà cũng phải túc trực ngày đêm "canh nước” về ruộng. Anh Hờ A Chua, con trai của bà Lỳ cho biết thêm: "Ruộng cách xa nguồn nước, lại có hàng chục gia đình đang cần nước vào ruộng nên gia đình mình cũng phải có người đi nạo vét kênh mương, canh nước về ruộng. Ngày một người canh, đêm cũng phải một người canh".
Bà Lỳ bảo, bà rất vui vì ruộng nhà mình đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện, của tỉnh. Vì thế, gia đình sẽ cố gắng gìn giữ đồi Mâm Xôi để ngày càng có nhiều người đến tham quan, trải nghiệm. Bà cũng mong muốn chính quyền quan tâm hơn nữa để bảo tồn, phát huy vẻ đẹp của Mâm Xôi.
Hiện nay, vào mỗi mùa nước đổ cũng như mùa vàng, khu vực đồi Mâm Xôi thu hút hàng nghìn lượt khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng mỗi ngày. Để các hoạt động trải nghiệm diễn ra thuận lợi, an toàn; sau khi thống nhất với các hộ dân có ruộng, trong đó có gia đình bà Lù Thị Lỳ, chính quyền xã La Pán Tẩn đã đứng ra thu phí, rồi phân bổ cho các hộ dân có ruộng; phần còn lại dùng để tu sửa, mở rộng tuyến đường lên đồi Mâm Xôi.
Năm 2007, danh thắng ruộng bậc thang độc đáo ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng cấp quốc gia. Đến ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1954 về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) đối với 7 di tích, trong đó có Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết: Cùng với đồi Mâm Xôi ở La Pán Tẩn, trong hơn 7.000 ha ruộng bậc thang ở đây còn rất nhiều địa danh hấp dẫn du khách. Huyện Mù Cang Chải hiện đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguyên trạng vùng lõi của Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; chú trọng tu sửa, chỉnh trang cảnh quan khu vực di tích; kết hợp duy trì lễ hội văn hoá cổ truyền như: mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh Pao, bắn nỏ... tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn với du khách gần xa:
"Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; duy trì thực hiện tốt các tri thức dân gian về canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang, đồng thời, gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng gắn với văn hóa canh tác ruộng bậc thang nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch thân thiện, gần gũi và mang tính bền vững cao", ông chia sẻ.
Bằng đôi bàn tay cần cù và hăng say sáng tạo, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải, trong đó có có gia đình bà Lù Thị Lỳ đã tạc vào sườn núi những "bức tranh” ruộng bậc thang đẹp ngỡ ngàng. Để rồi, với bất cứ ai từng một lần được đặt chân, trải nghiệm trên những triền ruộng diệu kỳ ấy, sẽ không thể quên và còn muốn trở lại thêm nhiều lần nữa..../.