
Ông khói nghi ngút, mùi khét và bụi từ nhà máy viên gỗ nén tại xã Hoàng Khai, Yên Sơn, Tuyên Quang khiến người dân ngộp thở. Ảnh: Việt Bắc.
Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân sống tại thôn Chè Đen 2, xã Hoàng Khai, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang phản ánh tới Báo Lao Động về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của nhà máy viên gỗ nén của Công ty CP sản xuất và thương mại Võ Thuận Phát (Công ty Võ Thuận Phát).
Ngày 9.4, theo ghi nhận của PV, các hoạt động sản xuất của Công ty Võ Thuận Phát đều đang diễn ra bình thường. Cột khói trắng kèm mùi khét lẹt từ khu nhà xưởng có thể cảm nhận được từ cách đó hơn 1km.
Theo ông Nguyễn Xuân Toàn (thôn Chè Đen 2), nhà máy này bắt đầu hoạt động từ năm 2016 nhưng không hiệu quả nên lúc làm, lúc dừng. Từ năm 2024 khi được chuyển đổi sang chủ mới, các hoạt động sản xuất rầm rộ hơn.
"Cột khói với mùi khét lẹt xả thẳng ra môi trường, chưa kể bụi cũng theo ống khói phát tán. Trước cửa nhà tôi phải che kín bạt, mưa còn đỡ chứ ngày nắng không khí ngột ngạt rất khó chịu", ông Toàn cho hay.

Bụi dày đặc trên tấm bạt che kín cửa nhà ông Nguyễn Xuân Toàn. Ảnh: Việt Bắc.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Tâm Thư (thôn Chè Đen 2) có nhà nằm sát vách ống khói. Hơn 2 năm qua khi nhà máy viên gỗ nén hoạt động trở lại, nỗi lo ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe ngày một lớn.
Bà Tâm bức xúc: "Bụi bay vào tận trong nhà thành từng lớp trên bàn ghế. Mùi khói thì còn kinh khủng hơn, khét lẹt đến ngộp thở. Chúng tôi làm đơn thư gửi đến xã nhiều rồi nhưng không có gì thay đổi, tình trạng này kéo dài thì lo cho sức khỏe lắm".
Không chỉ người dân thôn Chè Đen 2 bị ảnh hưởng, hàng chục hộ dân khác tại thôn 13, xã Kim Phú, TP Tuyên Quang cũng phải sống chung với nỗi lo ô nhiễm khi nhà máy của Công ty Võ Thuận Phát chỉ cách khu dân cư đông đúc 1 con đường.

Ngay cả phần mái nhà xưởng của Công ty Võ Thuận Phát cũng đã bị khói bụi phát tán, phủ kín. Ảnh: Việt Bắc.
Bà Đoàn Thị Lan (thôn 13, xã Kim Phú) cho biết: "Chúng tôi kiến nghị nhà máy phải được di dời ra xa khu vực dân cư, chưa di dời được thì không được xả thải nữa, thế này ô nhiễm quá".
Theo tìm hiểu, nhà máy sản xuất viên gỗ nén xuất khẩu của Công ty Võ Thuận Phát có công suất khoảng 40.000 tấn/năm. Hiện tại, giấy phép môi trường của đơn vị này đang được trình lên UBND tỉnh Tuyên Quang chờ cấp phép.

Nhà máy của Công ty Võ Thuận Phát xử lý cả trăm tấn phế phẩm lâm nghiệp để làm làm viên gỗ nén. Ảnh: Việt Bắc.
Ngày 10.4, trao đổi với PV, ông Trần Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai xác nhận, chính quyền địa phương có nhận được đơn, kiến nghị của các hộ dân về hoạt động của nhà máy viên gỗ nén.
Theo ông Hoàng, mỗi lần có kiến nghị của người dân, xã đều cử cán bộ xuống xác minh, tìm hiểu. Nhưng thẩm quyền và chuyên môn cấp xã có hạn nên cũng chỉ có thể ghi nhận và báo cáo lên cơ quan chức năng.
"Cách đây hơn 1 tháng, cơ quan chuyên môn của huyện Yên Sơn, Sở Nông nghiệp và Môi trường có xuống kiểm tra. Hiện nay chúng tôi cũng chưa nhận được thông báo về kết quả", ông Hoàng thông tin.