Xây tường bao nuôi gà cũng bị...cấm
Nhìn trên bản đồ quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có thể thấy, hầu hết các vùng đất rộng lớn xung quanh khu vực TP.Điện Biên Phủ đều nằm trong quy hoạch dành cho việc khảo sát, nghiên cứu của các tập đoàn, doanh nghiệp với các dự án có quy mô lớn về du lịch, thương mại, dịch vụ.
Không thể phủ nhận đó là kết quả đột phá, là tín hiệu đáng mừng của tỉnh Điện Biên, tuy nhiên, lại xảy ra một nghịnh lý là thay vì thị trường bất động sản sẽ trở lên sôi động thì hiện nay các giao dịch về đất đai ở nhiều khu vực đang rơi vào tình trạng “đóng băng” cục bộ.
Theo khảo sát của PV Báo Lao Động, trong năm 2021, trên địa bàn phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ chỉ có 15 hồ sơ chuyển nhượng về đất và nhà ở, 8 tháng đầu năm 2022, chỉ có 7 hợp đồng chuyển nhượng thành công.
Trong khi đó, tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (giáp TP.Điện Biên Phủ cũng có các dự án đang khảo sát, nghiên cứu), trong năm 2021 có tới 97 hồ sơ mua bán chuyển nhượng thành công. Trong 8 tháng đầu năm 2022, đã có 95 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng được giải quyết.
Vậy tại sao giữa 2 địa bàn giáp nhau và có các điều kiện tương tự lại có sự chênh lệch về số lượng các giao dịch bất động sản lớn như vậy?
Phản ánh đến PV Báo Lao Động, nhiều hộ dân ở bản Huổi Phạ, phường Him Lam và bản Tà Lèng, xã Thanh Minh, TP.Điện Biên Phủ cho biết, từ gần 1 năm nay việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định là không thể thực hiện được.
"Không chuyển đổi được đâu, ngay cả xây cái tường bao để nuôi gà cũng bị ngăn cấm" - Bà Đỗ Thị Hương, bản Huổi Phạ, phường Him Lam bức xúc nói.
Ông Nguyễn Duy Tân (phường Him Lam) thì cho biết: “Gia đình tôi có thửa đất đã làm đầy đủ các thủ tục chuyển đổi từ mấy tháng rồi, thế nhưng thành phố không ký, cũng không đưa ra lý do”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND phường Him Lam cho biết: "Các trường hợp đủ điều kiện để mua bán, chuyển nhượng hay chuyển đổi mục đích sử dụng thì UBND phường đã chuyển hồ sơ lên thành phố. Còn việc vì sao người dân bị trả lại hồ sơ thì phường không nắm được".
Chính quyền sợ trách nhiệm hay "làm khó" người dân?
Theo đại diện 1 văn phòng về BĐS tại TP Điện Biên Phủ (vừa có 1 loạt hồ sơ bị trả lại) thì nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS gần như bị "đóng băng" cục bộ là bởi những quy định khó hiểu về thủ tục.
"Một thửa đất vừa làm sổ đỏ xong muốn tách ra lại phải làm thủ tục trích đo, trong khi đó vừa mới trích đo xong, các tọa độ vẫn còn trên hệ thống" - vị này nói.
Về nội dung này, bà Trương Thị Thanh Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai, TP Điện Biên Phủ nói: “Trước đây, khi người dân đã có Giấy chứng nhận sử dụng đất mà muốn chia tách thì chỉ cần trích lục trên mảnh trích đo. Tuy nhiên, mới đây Phòng Tài nguyên và Môi trường TP lại yêu cầu phải có trích đo, nếu không có thì trả lại hết”.
Để tìm câu trả lời cho những bất cập về nội dung liên quan mà nhiều người dân đang quan tâm, PV cũng đã có cuộc làm việc với ông Lê Tiến Dũng – Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ.
Ông Dũng thừa nhận một số hộ dân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất có đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, thành phố chưa ký chuyển đổi.
Để làm rõ các nội dung liên quan đến các thủ tục về đất đai, phóng viên Báo Lao Động đặt lịch làm việc với ông Hà Văn Đông – Trưởng phòng TNMT, TP Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, tại phòng làm việc, ông Hà Văn Đông đã tỏ thái độ bất hợp tác và gọi người dân là “thằng” và xưng hô “mày - tao” với phóng viên…
“Luật tao không cần biết, tỉnh đã có quy hoạch thì phải giữ nguyên"- ông Đông nói