Những thân cột xám to cỡ hơn vòng tay người ôm đã mọt lỗ chỗ, còn đó từ thuở dựng đình (năm 1674) như thể đang gắng chút sức chịu đựng cuối cùng gánh đỡ mái cong nặng trĩu. “48 cột trụ, toàn gỗ mít già, và hầu hết thân xà, vì, kèo vẫn còn đấy từ xa xưa. Nhưng không giữ được nữa rồi”, ông Trần Xuân Trạch, bảo vệ coi giữ đình ngậm ngùi nói.
Dẫn chúng tôi dạo một lượt thăm đình, ông Trạch tỏ rõ nỗi xót xa khi chỉ vào những thân cột, xà đỡ mục ruỗng và muôn vàn lỗ vỡ từ mái rọi. “Ghê nhất ngày mưa gió, cụ Từ còn không dám vào thắp hương chứ đừng nói làm lễ, ngói vỡ mục rơi rất sợ”, ông Trạch vừa kể vừa dặn dò chúng tôi cẩn thận kẻo họa hiểm vô tình...
Ngôi đình cổ thờ thánh Hùng Hải Vương (theo truyền thuyết là em họ của Vua Hùng đời 18) và Tam vị Đại nương đã giúp dân trị thủy, dẹp giặc giữ nước, nằm chính hướng Nam và tọa giữa khui dân cư đông đúc của thị tứ xã Đào Xá. Một tòa báu 5 gian có kiến trúc tinh xảo, chạm khắc theo điển tích vô cùng công phu mô phỏng cảnh rước voi, đánh trận, lễ rước kiệu xưa, dâng bánh chưng bánh dày... khiến bất kỳ ai đều phải tiếc nuối khi thăm đình.
Đình đã có 8 cột hư hỏng nghiêm trọng, có cái mọt ruỗng gần như đứt hẳn chân trụ. Các xà ngang, kèo, mộng, con rường, xà nối đã long gãy, vỡ rữa khiến nhiều bức chạm khắc bị biến dạng. Toàn bộ mái âm phía sau võng trũng, mái trước ngói trôi lệch xôi đỗ, cả bốn mái đao nứt toác, riêng mái đao cong góc trái mặt tiền đã sụp gãy hẳn.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa - Trưởng hội làng Đào Xá, lần gần đây nhất đình được sửa sang lại cũng đã hơn 20 năm nhưng cũng chỉ theo cách chắp vá, tức hỏng chỗ nào sửa chỗ đó. Toàn đình là những hạng mục chạm trổ tinh vi cổ quý, lựa chọn gỗ, gạch tương xứng thay thế rất khó khăn, nguồn lực ít ỏi, nên việc tu sửa gặp nhiều hạn chế dù đã thuê nhờ những bậc nghệ nhân cao tay.
“Năm 2014, có cán bộ từ Bộ VHTTDL về đây cho thợ xử lý bằng cách vá trát nhựa vào cột ruỗng, nhưng rồi mấy năm cũng bị bong tróc rơi ra”, ông Nghĩa chỉ vào một loạt cột to rồi cúi nhặt mảnh nhựa vỡ dưới chân cột. Bên cạnh có 2 trụ sắt áp chặt thay đỡ chịu lực do ủy ban xã Đào Xá cho thợ xử lý tình huống. Tất thảy có 15 cột sắt tạm chống đình.
Nguy cơ đổ sập hoàn toàn đình cổ Đào Xá đang hiện hữu từng ngày, đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia văn hóa, di sản, nghệ nhân khi đến thăm và đánh giá thực trạng hư hỏng nghiêm trọng của ngôi đình.
Sở VHTTDL Phú Thọ từ nhiều năm trước đã xác nhận hiện trạng: Đình Đào Xá, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ khung vì cột, xà mục, mọt, khô nứt thớ gỗ, rêu mốc bề mặt, khả năng nâng đỡ mái yếu, nhiều mảng chạm khắc trên cốn nách và đầu dư bị mối mọt xâm hại, hệ mái bờ nóc và bờ chảy nứt vỡ, lún sụt góc đạo, ngói lợp xô vỡ...
Liên tục 10 năm, nỗi lo lắng, cả tiếng kêu cứu, ý kiến đề xuất của người làng Đào Xá, lãnh đạo xã Đào Xá, lãnh đạo huyện Thanh Thủy, cán bộ Sở VHTTDL, và thậm chí lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ về việc tu sửa, nâng cấp, cải tạo, trùng đại tu... đã được gửi đến Trung ương, cụ thể là Bộ VHTTDL. Đứng trước hiện trạng nguy hiểm của ngôi đình, hàng loạt cuộc khảo sát, họp bàn đưa ra phương án giải cứu báu vật hữu hình này. Nhưng nỗi lo lắng của người Đào Xá vẫn chồng lên mỗi ngày…
Năm 2013, Phú Thọ xin Trung ương cho chủ trương lập quy hoạch tổng thể quần thể những di tích cần bảo tồn, tu sửa lớn như chùa Hiền Quan, đình Hiền Quan, và đình Đào Xá. Bộ đã thống nhất, nhưng cũng đề nghị đất Tổ phải huy động nguồn xã hội hóa. Ý kiến, đề xuất, tờ trình... đi lại nhiều lần, nhưng mãi đến năm 2016 Cục Di sản mới có ý kiến về những đề xuất tu bổ đình.
Năm 2019 tỉnh Phú Thọ lại điều chỉnh kỹ thuật rồi mang Dự án trình Bộ, và đến hiện tại, đình vẫn... ngày càng xuống cấp hơn.
Không thể đợi lâu khi nguy cơ thiên nhiên và thời gian sắp xóa sổ ngôi đình, Sở VHTTDL Phú Thọ đã trình lên UBND tỉnh giải pháp cấp thiết tu bổ. UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý phê duyệt “Dự án bảo quản, tu bổ di tích đình Đào Xá” với kinh phí hơn 30 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa. Dự án được tổ chức tư vấn bởi Cty cổ phần tu bổ di tích Trung ương VINAREMON, và được giao cho UBND huyện Thanh Thủy làm chủ đầu tư. Thời hạn ấn định khi đó là phải hoàn thành trong năm 2021.
Dù vậy, lãnh đạo huyện Thanh Thủy cho biết hiện chưa huy động được kinh phí, khi mà mưa nắng trung du đổ xuống dồn dập mỗi mùa khiến ngôi đình cổ đã cạn kiệt sức lực chống đỡ. “Khu vực nguy hiểm cấm vào” - những tờ giấy to có dòng chữ cảnh báo lại được dán thêm trên thân các cột đình sau mỗi trận mưa lớn.
Được biết, Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục tờ trình lên Bộ VHTTDL đề nghị quý Bộ “xem xét, cho ý kiến để địa phương thực hiện, với thời hạn đến năm 2024 sẽ hoàn thành”.
Nay tháng 7/2022, tức lại thêm hai mùa mưa nắng cực đoan khắc nghiệt, đình vẫn đợi, và người Đào Xá vẫn... kêu cứu. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, khi huy động nguồn lực đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bối cảnh hai năm đại dịch.
“Chúng tôi lưu tâm thường xuyên, chủ động hỗ trợ huyện Thanh Thủy đi kêu gọi kinh phí, mỗi lúc cũng chỉ được một vài trăm triệu, tới nay mới được hơn một tỷ đồng, quá ít ỏi để góp vào Dự án vì ngôi đình cần có gỗ tốt thay thế, mà gỗ thì đắt quá”, ông Thủy nói. Cũng đã 2 lần Sở có văn bản lên Bộ VHTTDL “xin” kinh phí. Chưa hẳn là Bộ chưa cho, và Phú Thọ cũng là điểm sáng toàn quốc về chăm lo di tích, nhưng còn nhiều địa phương khác cũng đang kêu “di tích nguy cấp”.
Ngôi đình từng đi qua bao biến cố thời gian và lịch sử, từng là trụ sở của cấp ủy và chính quyền xã Đào Xá những năm tháng chiến tranh, từng chứng kiến biết bao lễ hội hân hoan của người dân mỗi độ Xuân về,…
“Giải pháp cấp thiết đã được duyệt. Sở VHTTDL đã tạm cho sửa hệ mái, cũng chỉ tốn vài trăm triệu, trước nhất chống lại tác hại của mưa nắng, còn hệ cột tạm ốp trụ sắt chống đỡ rồi sẽ tính toán sau. Nhưng đến nay lãnh đạo huyện Thanh Thủy cũng chưa cho sửa chữa”, ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết.
Bên mạn trái đình còn đó tấm bia ghi khắc ngày Bác Hồ về thăm Đào Xá năm 1964 khen ngợi và khích lệ người dân hăng hái trồng rừng. “Trồng cây nào phải tốt cây ấy”, và Người căn dặn “Phải gìn giữ tốt ngôi đình để làm nơi hội họp”.