Theo ghi nhận của Lao Động những ngày đầu tháng 12, mực nước trên sông Hồng đi qua địa bàn tỉnh Yên Bái đã giảm sâu so với thời gian đỉnh lũ hồi đầu tháng 9.
Qua quan sát dọc bờ sông, nhiều bãi bồi, cồn cát rộng lớn lộ ra sau khi nước rút.
Không chỉ vậy, tại đây vẫn còn tồn tại lượng lớn bùn đất, nhiều cây xanh bị gãy đổ sau bão lũ.
Chị Nguyễn Thị Xuân (38 tuổi, Yên Ninh, TP Yên Bái) cho biết, từ giữa tháng 11, nước sông Hồng đoạn qua cầu Yên Bái đã rút mạnh.
"Sau khi nước rút, người dân đã dọn dẹp nhà cửa và dần ổn định cuộc sống", chị Xuân nói.
Năm 2024, mực nước sông Hồng chạy qua địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều biến động, cao thấp bất thường.
Mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 9 khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền, mực nước sông Hồng tại TP Yên Bái ở mức 35,32m, trên báo động 3 3,32m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 1,1m.
Việc nước lũ lên nhanh và đột ngột đã khiến hàng trăm ngôi nhà cạnh bờ sông Hồng ở Yên Bái bị ngập lụt. Cùng với đó là ảnh hưởng đến các công trình, cây cối ven sông và đe dọa sự an toàn của người dân, khiến chính quyền địa phương mất nhiều thời gian và công sức để xử lý.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái Phạm Quốc Hưng, tình hình thiên tai đã gây nên thời tiết cực đoan, nghiêm trọng.
Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh mưa tương đối nhiều, kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Dù tổng lượng mưa ít thay đổi nhưng thời điểm mưa đã thay đổi, không còn cố định như trước.
Theo dự báo thủy văn dài hạn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12, mực nước sông Hồng sẽ biến đổi chậm.
Số liệu thực đo tại trạm Yên Bái trên sông Hồng ghi nhận mực nước lần lượt là 36m vào tháng 9; 32m vào tháng 10; 27,5m vào tháng 11 và dự kiến giảm còn 25m vào tháng 12.
Hình ảnh PV ghi nhận: