Những nếp nhà trình tường lợp mái âm dương bên bờ rào đá, hòa cùng thảm hoa Tam giác mạch phơn phớt tím, hồng; trong khung cảnh hữu tình, các thiếu nữ miền sơn cước với nụ cười tỏa nắng đang nhanh tay se sợi, dệt lanh… Tất cả tạo nên một thung lũng Sủng Là với vẻ đẹp ngỡ ngàng giữa vùng Cao nguyên đá kỳ vỹ.
Vẻ đẹp bình yên của Sủng Là. |
Chúng tôi đặt chân đến mảnh đất Sủng Là vào một ngày cuối Thu. Trong không khí se lạnh và làn sương giăng lãng đãng, Sủng Là hiện ra như một bức tranh thiên nhiên độc đáo, hoang sơ, với bốn bề là núi đá kỳ vỹ. Đứng từ trên cao, hàng Sa mộc sừng sững giữa trời và cánh đồng hoa Tam giác mạch đang độ phớt hồng, xen lẫn trong sắc xanh của hoa màu tạo nên những mảng màu độc đáo, thu hút ánh nhìn. Những ngôi nhà trình tường lợp mái ngói âm dương toát lên vẻ xưa cũ, nằm nép mình dưới chân núi. Bên trong căn nhà là những âm thanh rộn rã của nhịp sống thường ngày.
Mỗi mùa trong năm, Sủng Là lại mang vẻ đẹp riêng, nhưng quyến rũ nhất là mỗi độ Thu về. Sau khi thu hoạch ngô và đậu tương, khoảng tháng 8, tháng 9, người dân sẽ gieo hạt Tam giác mạch để đến độ cuối Thu, những cánh hoa Tam giác mạch mỏng manh bung nở kết từng chùm, biến không gian bao la, hùng vỹ của núi rừng trở nên thơ mộng với cánh đồng hoa phơn phớt sắc tím, hồng. Đến Sủng Là vào đúng mùa hoa Tam giác mạch, du khách sẽ được thỏa sức chiêm ngưỡng những cánh hoa thoắt ẩn, thoắt hiện trong lớp sương Thu mờ ảo. Đến khi tia nắng lên, sương tan là lúc cả cánh đồng Tam giác mạch bừng sáng khoe sắc dịu dàng giữa mênh mông đá núi. Thả hồn trong khung cảnh bình yên của Sủng Là, hít căng lồng ngực bầu không khí trong trẻo của núi rừng, bỏ lại sau lưng mọi lo toan, bộn bề cuộc sống, chắc chắn sẽ đem đến những trải nghiệm vô cùng thú vị cho du khách trong hành trình khám phá rẻo cao địa đầu Tổ quốc.
Trong thời gian lưu lại thung lũng Sủng Là, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mông, Lô Lô thân thiện, mến khách nơi đây. Cùng người dân trải nghiệm các công đoạn làm bánh Tam giác mạch, nấu rượu men lá, dệt lanh, thu hoạch hoa màu, chế biến thức ăn… Trong chuyến thăm quan, khám phá tại Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm, chị Lê Thu Huyền và nhóm bạn đến từ Hà Nội đã có dịp trải nghiệm các công đoạn làm bánh Tam giác mạch. Chị Huyền chia sẻ: Chúng tôi rất vui và hào hứng khi lần đầu được tự tay làm món bánh truyền thống từ hạt Tam giác mạch. Các cô, các chị nhiệt tình hướng dẫn để bọn mình biết cách nhào bột, nặn bánh rồi nướng chín trên than lửa. Vị bánh rất đậm đà, dẻo, thơm mang đậm hương của núi rừng. Những ngôi nhà ở đây mang vẻ đẹp cổ kính và riêng biệt, cùng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và con người thân thiện, mến khách, chắc chắn chúng tôi sẽ còn nhiều dịp quay trở lại nơi này.
Du khách tham quan Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm. |
Người dân sinh sống tại thung lũng Sủng Là vẫn ngày ngày trồng rau, Tam giác mạch, đậu và lanh, những cây trồng truyền thống từ bao đời nay của đồng bào. Ngày nay, thung lũng bình yên này đang dần được đánh thức bởi bước chân của du khách. Lượng khách đến Sủng Là những năm gần đây tăng đáng kể, bà con cũng mạnh dạn đầu tư các dịch vụ phục vụ du lịch như homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống, điểm dừng chân… Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là, Thào Pháy Chá cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, huyện, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh khuyến khích, vận động nhân dân chỉnh trang lại khuôn viên nhà cửa, phát triển dịch vụ homestay với những gia đình đủ điều kiện. Tuyên truyền bà con vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; phát triển các nghề truyền thống như dệt lanh, thêu thổ cẩm, làm bánh, rượu Tam giác mạch và trồng các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương để phục vụ du lịch. Nhờ đó, góp phần tích cực giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình cùng kiến trúc nhà ở, truyền thống canh tác và nét đẹp trong phong tục, tập quán của cộng đồng người Mông, Lô Lô còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, Sủng Là thực sự là điểm đến mà du khách không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá Cao nguyên đá, địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.