
Tính đến tháng 12/2024, nước ta hiện có hơn 3.400 công chứng viên, khoảng 1.400 tổ chức hành nghề và đang phân bố không đồng đều tại các địa phương. Tại thành phố Hà Nội, đến tháng 5/2024 có 122 tổ chức hành nghề công chứng; địa bàn tỉnh Lào Cai là 12 tổ chức; địa bàn Phú Thọ là 19 tổ chức (tính đến ngày 30/10/2024), địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 28 tổ chức (tính đến ngày 18/7/2024)… còn tại địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 42 tổ chức hành nghề công chứng với tổng số là 90 công chứng viên.
Tại Yên Bái, năm 2020, toàn tỉnh mới có 05 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, thành phố Yên Bái có 03 tổ chức, thị xã Nghĩa Lộ có 01 tổ chức và huyện Yên Bình có 01 tổ chức. Năm 2021, phát triển thêm 01 tổ chức tại huyện Lục Yên. Năm 2023 thêm 01 tổ chức hành nghề công chứng tại thành phố Yên Bái.
Tính đến nay, có 7 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, gồm: 1 Phòng công chứng, 6 văn phòng công chứng với tổng số 10 công chứng viên đang hành nghề. Hiện, địa bàn tỉnh Yên Bái chưa phát triển được các tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Đối chiếu số liệu cho thấy, số lượng tổ chức hành nghề công chứng cũng như số lượng công chứng viên tại địa bàn tỉnh Yên Bái đang thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố khác, và chiếm tỷ lệ nhỏ so với cả nước.
Trong đó, có 3 văn phòng công chứng tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Lục Yên, mỗi văn phòng hiện chỉ có 1 công chứng viên hành nghề, chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Khoản 1, Điều 22, Luật Công chứng năm 2014: “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh”. Đồng thời, “Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn”.
Quy định này đến thời điểm hiện tại vẫn còn hiệu lực nhằm đảm bảo tính liên tục, tính bền vững và tính chịu trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng, nhất là trong trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm hay gặp phải các vấn đề rủi ro về sức khoẻ.
Trước thực trạng trên, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là công chứng viên hợp danh gặp nhiều khó khăn.
Các tổ chức hành nghề công chứng khi thành lập và đi vào hoạt động đều đảm bảo có đủ 2 công chứng viên hợp danh, tuy nhiên trong quá trình hoạt động do yếu tố khách quan như: công chứng viên mắc bệnh hiểm nghèo đã chết, công chứng viên chuyển đi hành nghề tại tỉnh khác.
Sở Tư pháp đã có công văn yêu cầu bổ sung công chứng viên hợp danh; phối hợp với Hội công chứng viên tỉnh bàn giải pháp mời công chứng viên tại các tỉnh lân cận và cả nước để bổ sung nguồn công chứng viên hợp danh cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn. Kết quả đã bổ sung thêm được 3 công chứng viên.
Cùng với đó, số lượng đạt kết quả trong các cuộc tham gia thi sát hạch công chứng viên thấp (có 1/8 người đạt) do đa phần các công chứng viên được mời không có nguyện vọng làm việc tại khu vực có điều kiện như Yên Bái dẫn tới khó khăn trong việc bổ sung công chứng viên hợp danh.
Nhằm đáp ứng việc đảm bảo nguồn thu và duy trì hoạt động đối với các văn phòng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo - nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế khó khăn và quy mô thị trường nhỏ, Luật Công chứng năm 2024 đã có những sửa đổi, bổ sung, đáng chú ý là quy định văn phòng công chứng có thể được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Luật Công chứng 2024 (số 46/2024/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã mở rộng loại hình tổ chức của Văn phòng công chứng. Theo đó, tại Điều 23 của Luật Công chứng 2024, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Cùng với đó, tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Văn phòng công chứng tổ chức theo loại hình công ty hợp danh thì phải có ít nhất 02 công chứng viên hợp danh. Còn Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.

"Tuy nhiên, Chính phủ sẽ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, cũng như việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.
Văn phòng công chứng đang hoạt động theo loại hình công ty hợp danh sẽ không được chuyển thành mô hình doanh nghiệp tư nhân do theo quy định pháp luật, không có quy định nào cho phép chuyển đổi từ loại hình công ty hợp danh thành mô hình doanh nghiệp tư nhân" - Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm.
Cũng tại Khoản 6 Điều 27 Luật này quy định: “Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này, công chứng viên đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của Văn phòng công chứng phát sinh trong thời gian là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng đó; hết thời hạn này, công chứng viên mới được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân”./.