Huyện Phong Thổ triển khai nhiều giải pháp, chú trọng đa dạng hoá sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, đa chiều. Huyện đặt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo về 32,5%, đến năm 2025, phấn đấu ra khỏi danh sách các huyện nghèo.
Phong Thổ là huyện biên giới cực Bắc của tỉnh Lai Châu, với địa hình chủ yếu là núi đồi và rừng cây bao phủ, đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 10% diện tích. Phần lớn người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ và nhận thức còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm là 43,8%, năm 2023 vẫn còn 37,9%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 và chủ trương của UBND tỉnh Lai Châu về hỗ trợ huyện Phong Thổ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025, UBND huyện đã đặt ra nhiều mục tiêu và giải pháp, trong đó huyện quyết tâm ra khỏi danh sách các huyện nghèo vào năm 2025.
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2024 của huyện Phong Thổ ước giảm trên 5,4% so với năm 2023, xuống còn 32,5% và phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn xấp xỉ 27%.
Để hiện thực hoá các mục tiêu, song song với hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi, cầu, hạ tầng điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân dân, một trong những giải pháp căn cơ được lãnh đạo huyện đưa ra là chú trọng đa dạng hoá sinh kế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nghèo.
Huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dựa trên thế mạnh của địa phương tại các xã, thị trấn.
Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đã có 375 hộ tại các xã nghèo Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So, Khổng Lào được huyện hỗ trợ phát triển sản xuất cây dong riềng, khoai sọ theo chuỗi giá trị với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; 1.902 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cây giống (dong riềng, khoai sọ, cây ăn quả), máy cày bừa mi ni theo Chương trình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Hàng trăm hộ gia đình được hỗ trợ trồng mới chè, cây ăn quả, địa lan, sản xuất lúa hàng hóa, nuôi ong, hỗ trợ làm chuồng trại tập trung. Việc triển khai phát triển sản xuất đã tạo ra các sản phẩm chủ lực của địa phương, bước đầu hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, giá trị sản xuất ngày càng tăng.
Không chỉ tập trung hỗ trợ sinh kế bằng phát triển trồng trọt, chăn nuôi, huyện Phong Thổ còn huy động nhiều nguồn lực để cho 1.146 lao động vay giải quyết việc làm, 313 lao động vay xuất khẩu lao động.
Năm 2024, huyện đã kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho từ 1.000 lao động (trong đó, đưa từ 50 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) có thu nhập ổn định.
Tiếp tục phát huy những công việc đã làm được nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, tới đây huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng, lợi thế...
Năm 2024, huyện Phong Thổ được giao tổng dự toán từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 144,7 tỷ đồng. Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của huyện thuộc chương trình được giao nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương là hơn 12,4 tỷ đồng, tương đương 8,59% tổng dự toán.