Lý do Việt Trì được chọn là trung tâm sau hợp nhất Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc

08/05/2025 08:33

Đề án sáp nhập Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, hình thành tỉnh Phú Thọ với TP Việt Trì được lựa chọn làm trung tâm hành chính được đánh giá một bước đi chiến lược.

UBND tỉnh Phú Thọ mới có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cử tri đại diện hộ gia đình của 3 tỉnh về đề án sáp nhập. Theo đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành báo cáo số 52 tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình; ý kiến của HĐND các cấp của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình về Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.

Cụ thể, 98,30% cử tri đại diện hộ gia đình ở tỉnh Phú Thọ (412.389 người); 99,49% cử tri (319.831 người) ở tỉnh Vĩnh Phúc; 97,77% cử tri ở tỉnh Hòa Bình (214.687 người) và 100% đại biểu HĐND các cấp ở tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đồng ý với đề án sáp nhập 3 tỉnh này thành tỉnh Phú Thọ.

Dự kiến sau sắp xếp, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên là 9.361,381 km², quy mô dân số là 4.022.638 người và có 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập được đặt tại TP Việt Trì hiện nay. 

TP Việt Trì có vị trí địa lý chiến lược

Theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, việc Phú Thọ được chọn làm tên gọi của tỉnh hợp nhất là sự khẳng định giá trị văn hóa cội nguồn, nơi tín ngưỡng thờ Hùng Vương - di sản phi vật thể của nhân loại - trở thành biểu tượng đoàn kết dân tộc. Theo đó, tên gọi này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần, tạo sự đồng thuận và khơi dậy niềm tự hào trong cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn TP Việt Trì làm trung tâm hành chính của tỉnh Phú Thọ (mới) được xem xét kỹ lưỡng và dựa trên những lợi thế vượt trội, đảm bảo vai trò hạt nhân dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng.

w-viet-tri-4-100005-67462-1746667921.jpg
Một góc thành phố Việt Trì. Ảnh: Đức Hoàng

Cụ thể, về vị trí địa lý - giao thông, Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối ba tỉnh (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình), có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc, là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng.

Về năng lực phát triển, Việt Trì là đô thị loại I, từng là trung tâm của tỉnh Vĩnh Phú trước đây; tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đã và đang hình thành hệ thống khu công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Về hệ thống thiết chế hạ tầng - xã hội, Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực. Các cơ sở đào tạo đại học, bệnh viện chuyên sâu và các trung tâm thể thao - du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới.

Về văn hóa - lịch sử, Phú Thọ là vùng đất tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, với các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đây là yếu tố quan trọng về mặt tinh thần, bản sắc và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Về quốc phòng - an ninh, Phú Thọ là địa bàn trọng yếu, đóng quân của Quân khu 2 và nhiều cơ quan Trung ương, có vai trò chiến lược trong bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô.

Về hiệu quả quản lý phát triển vùng, việc đặt trung tâm tỉnh tại Phú Thọ giúp mở rộng không gian phát triển mới, khai thác đồng bộ hạ tầng vùng, giảm áp lực cho Hà Nội, thúc đẩy liên kết vùng, phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch vùng Thủ đô và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

w-viet-tri-8-100003-67463-1746667959.jpg
TP Việt Trì là nơi đặt trụ sở của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Đức Hoàng

Việc sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sẽ tạo thành "tam giác phát triển" và đặt Việt Trì vào trung tâm. 

Việt Trì có vị trí đắc địa, nằm ở giao điểm của ba tỉnh, Việt Trì trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, kết nối vùng Thủ đô với Tây Bắc một cách thuận lợi. Hạ tầng giao thông hiện đại và đang được đầu tư mở rộng, bao gồm các tuyến quốc lộ huyết mạch và các dự án cao tốc, càng củng cố vai trò trung tâm này, tạo điều kiện tối ưu cho sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ và con người trong toàn vùng.

Hạ tầng kinh tế - xã hội và hành chính đồng bộ tại Việt Trì là một yếu tố then chốt khác. Thành phố đã được đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một trung tâm hành chính cấp tỉnh. Các trụ sở làm việc của các cơ quan chính quyền, các sở ban ngành đã được thiết lập và có khả năng mở rộng để phục vụ một tỉnh có quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Việt Trì và vùng lân cận tạo ra một nền tảng kinh tế vững chắc, thu hút đầu tư và tạo việc làm...

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng và năng động của Việt Trì cũng là một lý do quan trọng để lựa chọn thành phố này làm trung tâm hành chính. Với vị trí là cầu nối giữa các vùng kinh tế khác nhau, Việt Trì có tiềm năng phát triển mạnh mẽ các ngành thương mại, dịch vụ logistics, du lịch và công nghiệp hỗ trợ. Sự năng động của nền kinh tế Việt Trì sẽ lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.

Ngoài ra, sự đồng thuận và tính khả thi trong việc lựa chọn Việt Trì làm trung tâm hành chính cũng là một yếu tố quan trọng. Quyết định này được đưa ra dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng các lợi thế của thành phố và nhận được sự ủng hộ từ chính quyền và người dân của cả 3 tỉnh, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai.

Toàn cảnh 3 tỉnh trước sáp nhập

Tỉnh Phú Thọ: Là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi Tây Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng. Diện tích tự nhiên của Phú Thọ: 3.534,56km²; quy mô dân số: 1.694.771 người.

Tỉnh Vĩnh Phúc: Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vai trò cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Diện tích tự nhiên: 1.236,0km²; quy mô dân số: 1.483.391 người. 

Tỉnh Hoà Bình: Là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Bộ, nằm ở vị trí giáp ranh giữa ba khu vực: Tây Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, có vai trò cầu nối chiến lược giữa các vùng kinh tế lớn phía Bắc. Diện tích tự nhiên: 4.590,821km²; quy mô dân số: 980.289 người. 

Đức Hoàng