Lý do bệnh viện trăm tỉ bị từ chối nhận bàn giao

25/12/2024 14:06

Tuyên Quang - Nhiều hạng mục tại Bệnh viện đa khoa Lâm Bình bỏ không sau thời gian dài đã xuống cấp hư hỏng khiến đơn vị thụ hưởng quyết không nhận bàn giao.

Lý do bệnh viện trăm tỉ bị từ chối nhận bàn giao
Bệnh viện trăm tỉ tại huyện nghèo nhất Tuyên Quang nhiều năm bỏ không quá nửa số hạng mục.

Nhu cầu khám chữa bệnh không cao

Lao Động đã phản ánh về tình trạng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có mức đầu tư gần 165 tỉ đồng, quy mô 100 giường bệnh, mặc dù đã được xây dựng xong nhưng vẫn bỏ không quá nửa các hạng mục trong suốt nhiều năm.

Qua nắng mưa, nhiều trang thiết bị, hạng mục không sử dụng bị xuống cấp, hư hỏng đã khiến người dân đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của việc đầu tư hàng trăm tỉ đồng trong khi Lâm Bình vẫn đang là một huyện nghèo tỉnh Tuyên Quang.

Trao đổi với PV, ông Vũ Trọng Thành - Giám đốc BVĐK Lâm Bình cho biết, thực tế nhu cầu khám chữa bệnh, nằm viện điều trị của người dân trên địa bàn không cao.

Trong tổng số 6 khối nhà chính (được đánh số) của BVĐK Lâm Bình thì có tới 3 nhà (3,4,5) đã hoàn thành xây dựng nhưng bỏ không nhiều năm. Các khối nhà còn lại cũng không dùng hết công năng. Ảnh: Phùng Minh.
Trong tổng số 6 khối nhà chính (được đánh số) của BVĐK Lâm Bình thì có tới 3 nhà (3,4,5) đã hoàn thành xây dựng nhưng bỏ không nhiều năm. Các khối nhà còn lại cũng không dùng hết công năng. Ảnh: Phùng Minh.

"Tôi chỉ nắm được, năm 2013 - thời điểm có kế hoạch xây dựng bệnh viện - Sở Y tế nói rằng nếu thực trạng dân số như thế này thì nhu cầu khám chữa bệnh, nằm viện chỉ 20 - 30 bệnh nhân/ngày", ông Thành thông tin.

Cũng theo ông Thành, ngay như thời điểm hiện tại, dân số tại 3 xã lân cận cũng chỉ khoảng hơn 10 nghìn dân. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 60 người tới khám, số nằm viện thì ít hơn.

"Người dân các xã khác họ đến bệnh viện huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang để khám chữa bệnh vì gần. Phải chuyển tuyến thì cũng tiện đường, tội gì họ đến đây", ông Thành lý giải.

Khi được hỏi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân không cao nhưng vì sao vẫn xây dựng bệnh viện với quy mô lớn, ông Thành cho hay: "Tôi cũng không rõ, vì trong suốt quá trình khảo sát, đánh giá nhu cầu khám chữa bệnh đến việc thiết kế, xây dựng, mua sắm trang thiết bị, phía bệnh viện đều không được tham gia. Chúng tôi chỉ là đơn vị thụ hưởng, không được hỏi ý kiến việc này".

Bên muốn bàn giao, bên quyết không nhận

BVĐK Lâm Bình được xây dựng năm 2014. Đến năm 2020, 6 dãy nhà chính hoàn thành nhưng chỉ 3 nhà đưa vào sử dụng. Còn lại chưa được nghiệm thu và để không nhiều năm.

Ông Vũ Trọng Thành - Giám đốc BVĐK Lâm Bình cho biết, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình (đại diện chủ đầu tư) liên tục đề nghị bàn giao, nhưng thực trạng công trình có rất nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp.

Theo ông Thành, giữa bệnh viện và chủ đầu tư không nhất trí nhiều điểm, việc này đã được nói trong các cuộc họp liên ngành; công trình không đủ điều kiện nghiệm thu từ môi trường, phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đề nghị bệnh viện tiếp nhận.

Khu vực khám bệnh và điều trị chỉ lác đác một vài người dân tới thăm khám. Ảnh: Việt Bắc.
Khu vực khám bệnh và điều trị chỉ lác đác một vài người dân tới thăm khám. Ảnh: Việt Bắc

Lý giải thêm về lý do không nhận bàn giao 3 dãy nhà và một số hạng mục đang bỏ không, ông Thành cho rằng, những hư hỏng chưa được khắc phục, trong khi bệnh viện chưa được sử dụng ngày nào, sau này rất khó giải trình và đề nghị sửa chữa.

Ngày 23.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Minh Quang - Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình cho biết, dự kiến hết tháng 12.2024 có thể tiến hành bàn giao công trình cho bệnh viện.

Cũng theo vị lãnh đạo Ban, nguồn vốn cấp cho dự án không đủ nên còn một số nhà khác chưa được xây dựng. Đến thời điểm này đã giải ngân hết hơn 127 tỉ đồng.

Thông tin về tình trạng xuống cấp, hư hỏng của các dãy nhà chưa sử dụng, ông Quang cho hay: "Thực tế từ năm 2020, thời điểm dịch COVID-19, các dãy nhà này đã được dùng để cách ly, điều trị. Hiện tại, nhà thầu đang tiến hành thay thế, sửa chữa các hạng mục, thiết bị hư hỏng".

 

Việt Bắc
Bạn đang đọc bài viết "Lý do bệnh viện trăm tỉ bị từ chối nhận bàn giao" tại chuyên mục Đời sống.