Loạt trạm bê tông sai phạm ở Cao Bằng vẫn hoạt động bất chấp chỉ đạo

27/11/2024 09:34

Cao Bằng - Gần như toàn bộ số trạm bê tông trên địa bàn tỉnh đều tồn tại và hoạt động với những sai phạm kéo dài nhiều năm.

Loạt trạm bê tông sai phạm ở Cao Bằng vẫn hoạt động bất chấp chỉ đạo

Loạt trạm bê tông sai phạm ở Cao Bằng vẫn hoạt động bất chấp chỉ đạo khắc phục từ Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Tân Văn.

Sai phạm diện rộng

Ngày 26.11, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Cao Bằng cho hay, hiện đã có một số địa phương báo cáo về kết quả giải quyết các trạm trộn bê tông sai phạm trên địa bàn. Một số huyện, thành phố vẫn chưa báo cáo, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc.

Trước đó vào ngày 11.10, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Cao Bằng có Báo cáo số 3927/BC-ĐKTLN (Báo cáo) về kết quả kiểm tra, rà soát các trạm trộn bê tông.

Báo cáo thể hiện, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 17 trạm trộn bê tông (1 đã xin dừng hoạt động), chia thành hai nhóm hoạt động sản xuất: nhóm trạm trộn bê tông thương phẩm (13 trạm) và nhóm trạm trộn bê tông phục vụ công trình giao thông, xây dựng (4 trạm).

Trạm bê tông của Công ty đầu tư và xây dựng Trường An, Công ty TNHH bê tông tươi tuổi trẻ Cao Bằng, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng giao thông Miền Bắc đều mắc những sai phạm cần khắc phục. Ảnh: Tân Văn.

Trạm bê tông của Công ty đầu tư và xây dựng Trường An, Công ty TNHH bê tông tươi tuổi trẻ Cao Bằng, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng giao thông Miền Bắc đều mắc những sai phạm cần khắc phục. Ảnh: Tân Văn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ có 1 đơn vị đầy đủ hồ sơ, các trạm trộn bê tông còn lại đều được chỉ ra các vi phạm.

Sau khi có Báo cáo, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành văn bản số 2852/UBND-CN về việc chỉ đạo giải quyết và xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các trạm trộn bê tông trên địa bàn.

Công văn gửi đến các sở, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện, thành phố cùng các chủ đầu tư của các trạm trộn bê tông thương phẩm, bê tông nhựa nóng trên địa bàn.

Trạm bê tông sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc nằm ngay cạnh biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn dù bị chỉ đạo dừng hoạt động nhưng đơn vị này vẫn hoạt động các xe bồn vẫn chở bê tông đi bán. Ảnh: Tân Văn.

Trạm bê tông sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc nằm ngay cạnh biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn dù bị chỉ đạo dừng hoạt động nhưng đơn vị này vẫn hoạt động. Ảnh: Tân Văn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các huyện, thành phố cần hoàn thành báo cáo gửi về UBND tỉnh Cao Bằng (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15.11 và chịu trách nhiệm nếu có chậm trễ, kéo dài trong việc xử lý dứt điểm.

Kiên quyết xử lý?

Trong số 17 trạm nêu tên có đến 9 trạm bị đề nghị tháo dỡ, di dời bao gồm: Trạm bê tông nhựa nóng tại xã Dân Chủ, huyện Hòa An (Công ty TNHH Đầu tư XD&TM Long Khánh 88).

Trạm trộn bê tông thương phẩm tại xóm 11 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An (Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hưng Long). Trạm trộn bê tông tại tổ 5, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 468). Trạm trộn bê tông nhựa nóng tại tổ 6, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Công ty cổ phần 118 Hà Nội). Trạm trộn bê tông thương phẩm tại xóm Nà Pồng, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Công ty CP bê tông Hải Vân).

Trạm trộn bê tông nhựa nóng tại xóm Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh (Công ty TNHH Đầu tư XD&TM Long Khánh 88). Trạm trộn bê tông thương phẩm tại Ngườm Cạnh, xóm Bó Chỉa, xã Quang Long, huyện Hạ Lang (Công ty cổ phần bê tông Hải Vân).

Trạm trộn bê tông thương phẩm tại Tổ 2, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (Công ty TNHH bê tông tươi tuổi trẻ Cao Bằng). Trạm trộn bê tông nhựa nóng tại Lũng Khỉnh, xóm Coỏng Hoài, xã Đức Quang, huyện Hạ Lang (Công ty cổ phần 118 Hà Nội).

Mắc các lỗi về  thủ tục đất đai và cấp giấy phép môi trường nhưng trạm bê tông Trường An vẫn hoạt động liên tục sau kiểm tra. Ảnh: Tân Văn.

Mắc các lỗi về thủ tục đất đai và cấp giấy phép môi trường nhưng trạm bê tông Trường An vẫn hoạt động liên tục. Ảnh: Tân Văn.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV trong những ngày cuối tháng 11.2024, tại tất cả các trạm trộn bê tông kể trên, xe bồn, xe tải vẫn ra vào liên tục, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bê tông vẫn chất ngổn ngang, không tháo dỡ các hạng mục hay dừng hoạt động.

"Mỗi lần họ sản xuất làm bê tông nhựa nóng là mùi khét tỏa ra cả vùng, không ai chịu nổi, chúng tôi mong chính quyền sớm xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm không khí này" - một người dân chia sẻ về những phiền toái khi sống cạnh trạm bê tông nhựa nóng tại tổ 10, phường Duyệt Chung, TP Cao Bằng.

Tại trạm bê tông trộn bê tông thương phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng giao thông Miền Bắc dù bị yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động nhưng các xe bồn vẫn chở sản phẩm đi bán. Đáng nói, trạm bê tông này nằm ngay vị trí cua, dốc dễ xảy ra tai nạn và án ngữ luôn 1 đoạn trong hành lang an toàn giao thông của tuyến Quốc lộ 3.

Có thể thấy hầu hết các trạm bê tông tại Cao Bằng đều vướng mắc những thủ tục đất đai, môi trường... tuy nhiên chủ các trạm bê tông này luôn duy trì sản xuất bất chấp những chỉ đạo, yêu cầu tháo dỡ hay di dời, bổ sung các giấy tờ theo quy định.

Ngay cả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh được đưa ra nhưng UBND một số huyện, thành phố có trạm bê tông vi phạm chưa có báo cáo kết quả xử lý.

Nhóm PV