
Việc xử lý rác thải sinh hoạt tại Cao Bằng những năm qua luôn tồn tại những hạn chế. Ảnh: Tân Văn
Đề án trăm tỉ đồng
Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 3 - 5.2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát lại tất cả các khu xử lý rác trên địa bàn.
Lần kiểm tra này đồng thời cũng là dịp đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, được phê duyệt năm 2022, tổng mức vốn trên 185 tỉ đồng.
Theo Báo cáo số 2643 của Sở NNMT tỉnh Cao Bằng, trong gần 4 năm qua công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở xử lý rác thải, nhiều nơi đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới như tại Trà Lĩnh, Pác Miầu, Trùng Khánh, Khuổi Kép...


Khu xử lý rác tại xã Trà Lĩnh thực hiện sai quy trình, vải địa lót hố bị đốt cháy nham nhở. Ảnh: Tân Văn
Một số đơn vị đã đưa vào sử dụng công nghệ lò đốt kết hợp chôn lấp tro xỉ, góp phần hạn chế lượng rác tồn đọng và giảm ô nhiễm môi trường. Hạ tầng kỹ thuật tại nhiều điểm xử lý như nhà điều hành, sân phơi rác, bể thu gom nước rỉ rác, hệ thống phân loại, băng chuyền... được đầu tư, bổ sung, bước đầu hỗ trợ tốt cho quá trình vận hành.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp được giao quản lý cũng đã triển khai tương đối bài bản hoạt động thu gom rác tại các khu dân cư, thị trấn và một số xã trung tâm.
Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn nhiều bất cập. Một số bãi rác đã xuống cấp nghiêm trọng, vẫn nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý triệt để.
Tình trạng chôn lấp rác không đúng kỹ thuật, không thực hiện phun chế phẩm sinh học, rắc vôi hoặc không lu lèn, phủ đất định kỳ diễn ra phổ biến.
Nhiều công trình kỹ thuật như hệ thống xử lý nước rỉ rác, lò đốt, nhà điều hành, bể lắng đã hư hỏng, bỏ hoang hoặc chưa từng đưa vào sử dụng; thiết bị bị mất trộm do thiếu lực lượng bảo vệ.
Loạt hạn chế
Không ít dự án chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa được cấp phép môi trường nên chưa thể vận hành chính thức, thậm chí có công trình xây dựng xong nhưng chưa xác định rõ phương án vận hành.
Một số khu vực như bãi rác Khuổi Kép - Nà Lần đang bị quá tải do vượt công suất thiết kế nhưng vẫn chưa được triển khai giai đoạn hai với công nghệ xử lý mới.
Ngoài ra, kết quả quan trắc môi trường tại một số cơ sở cho thấy có thời điểm các chỉ số bụi và khí thải (như CO) vượt ngưỡng quy định, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Đây là những hạn chế cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Một hệ thống xử lý nước rỉ rác bỏ không sau đầu tư. Ảnh: Tân Văn
Theo ghi nhận thực tế của PV, độ hiệu quả và chất lượng vận hành của các khu xử lý còn bỏ ngỏ. Về tài chính, đề án cũng chưa được các cấp có thẩm quyền cấp cho toàn bộ kinh phí (chỉ đạt khoảng 50% trong tổng số 185 tỉ đồng).
Đơn cử như tại khu vực xã Trà Lĩnh, khu vực này rác thải được xử lý chôn lấp, tuy nhiên việc chôn lấp cũng không đảm bảo kỹ thuật. Rác thải được đổ tràn lan và chỉ khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng, đơn vị vận hành bãi rác mới lấp đất vội vàng lên những đống rác. Vải địa lót tại những hố chôn cũng rách toạc từ lâu, một số vị trí còn bị đốt cháy nham nhở.
Trong khi đó theo quy trình xử lý, rác sau khi tập kết về cần phun khử khuẩn, rải đều khắp hố chôn rồi lần lượt phủ các lớp rác, đất chồng lên nhau theo tỉ lệ nhất định.

Rác thải được đốt tại lò ở xã Trùng Khánh. Ảnh: Tân Văn
Ngày 17.7, đại diện Sở NNMT tỉnh Cao Bằng đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này. Theo đó, trước thực trạng các cơ sở xử lý rác thải không hiệu quả, Sở NNMT đang đề xuất giải pháp cũng như bố trí nguồn vốn để khắc phục những tồn tại.
"Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nguồn rất quan trọng, nếu việc này đi vào nề nếp mỗi năm có thể tiết kiệm kinh phí hàng tỉ đồng" - đại diện Sở NNMT tỉnh Cao Bằng cho hay.
Sở NNMT cũng mong muốn trong thời gian tới lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành quan tâm, có những chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ với các mục tiêu. Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để người dân nâng cao ý thức phân loại rác và bảo vệ môi trường.