Lỗ chỏng gọng, hệ sinh thái Masterise vẫn "hút" 15.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu cho dự án Sài Gòn Bình An

03/06/2022 10:22

Dù không ghi nhận doanh thu và cùng lỗ chỏng gọng nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Masterise vẫn "hút" 15.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu để rót cho dự án Sài Gòn Bình An. Techcom Securities tổ chức tư vấn, còn Techcombank nhận tài sản đảm bảo.

Masterise Group đã hoàn tất chi phối siêu dự án Sài Gòn Bình An?

Tại mục “dự án đang triển khai” trên Website masterisehomes.com/ - trang web thuộc sở hữu bởi Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes) xuất hiện cái tên đáng chú ý trong phân khúc bất động sản hạng sang ở TP. HCM - Dự án The Global City, có địa chỉ tại phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM.

Đáng chú ý, The Global City còn được biết đến với tên gọi Khu đô thị Sài Gòn Bình An, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư. Trong suốt nhiều năm, SDI Corp được biết đến là thành viên của Tập đoàn Him Lam.

phoi-canh-du-an-the-global-city-111-1654226486.jpeg

Tuy nhiên, theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 30/07/2021 cho thấy, người nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị SDI Corp là bà Mai Thị Kim Oanh. Bà Oanh con được biết đến là Trưởng Ban kiểm soát của Masterise Group.

Cập nhật mới đây nhất ngày 22/05/2022 thông tin thêm, hiện người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc SDI Corp do bà Bùi Thị Hải Hà (SN 1987) nắm giữ. Theo Tạp chí Nhadautu, bà Hải Hà cũng là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Masterise Group.

Như vậy, cả 2 vị trí quan trọng nhất tại SDI Corp đã thuộc quyền kiểm soát của Materise Group.

Ai đứng sau 15.500 tỷ đồng “thâu tóm” dự án Sài Gòn Bình An?

Một điểm thú vị rằng, cùng ngày với thông tin bà Oanh được thông báo đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT SDI Corp (ngày 30/7/2021), 11.200 tỷ đồng từ kênh trái phiếu đã được 3 pháp nhân bao gồm CTCP Osaka Garden, CTCP Hoàng Phú Vương và CTCP Hoa Phú Thịnh phát hành thành công, mục đích nhằm đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An.

Riêng với CTCP Osaka Garden, ngày 4/10/2021, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành thêm đợt trái phiếu khác có giá trị 4.300 tỷ đồng, đưa tổng giá trị 4 đợt phát hành trái phiếu lên con số 15.500 tỷ đồng để phục vụ cho việc nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An.

Được biết, Tổ chức tư vấn đều là Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities), bên nhận tài sản đảm bảo là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Cũng trong khoảng thời gian này, cả 3 doanh nghiệp liên tiếp đưa tất cả các khoản lợi, lợi ích và tất cả khoản phải thu theo hoặc phát sinh từ việc đặt cọc và nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An từ SDI Corp thế chấp tại Techcombank - Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn bao gồm tất cả các quyền lợi, lợi tức, lợi ích và tất cả khoản phải thu hình thành trong tương lai, theo hoặc phát sinh từ Hợp đồng chuyển nhượng/ Kinh doanh dự án thành phần.

Không chỉ là tổ chức sắp xếp cho các chuyển động liên quan đến chuyển nhượng dự án Sài Gòn Bình An, kể từ cuối tháng 7/2021, ngân hàng Techcombank là bên “bơm vốn” cho chủ đầu tư SDI Corp khi đây là tổ chức tín dụng nhận thế chấp các giao dịch Đăng ký giao dịch đảm bảo của SDI Corp được ghi nhận.

Tài sản dùng để bảo đảm là các hạng mục kinh doanh có liên quan đến Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Lỗ chỏng gọng vẫn hút 15.500 tỷ đồng từ trái phiếu cho Sài Gòn Bình An

Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Cổ phần Hoa Phú Thịnh được thành lập ngày 21/05/2019 tại quận Bình Thạnh, TP. HCM.

Vốn điều lệ ban đầu đạt 280 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm bà Nguyễn Thị Ngọc Mai góp 35% cổ phần, ông Lợi Khai Nguyên góp 40% và bà Võ Thị Thu Thuỷ góp 25% còn lại.

Đến tháng 9/2021, Hoa Phú Thịnh nâng vốn điều lệ lên 654 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương thành lập trước đó 1 năm (28/09/2018). Vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Cơ cấu đổ đông sáng lập có bà Hồ Ngọc Xuân Trầm sở hữu 15%, ông Huỳnh Thanh Phú sở hữu 15%, bà Tô Thị Như Ý nắm giữ 70% còn lại.

Tháng 5/2021, vốn điều lệ Hoàng Phú Vương đạt 800 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần OSaka Garden thành lập ngày 25/09/2018, với vốn điều lệ ban đầu 270 tỷ đồng. 3 cổ đông nắm giữ 100% cổ phần doanh nghiệp lần lượt là ông Đoàn Văn Chiến (20%), Nguyễn Hữu Cử (45%), Nguyễn Văn Phong Vân (35%).

Tương tự như hai doanh nghiệp nói trên, sau phát hành trái phiếu, tháng 9/2021 OSaka Garden tăng vốn điều lệ lên 719 tỷ đồng. Đến tháng 10/2021, OSaka Garden tiếp tục nâng vốn lên 954 tỷ đồng, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp phát hành lô trái phiếu thứ 2.

Một đểm lạ, dù không ghi nhận doanh thu kể từ khi thành lập đến cuối năm 2020, tương ứng với đó mỗi năm cả 3 doanh nghiệp đều báo lỗ vài chục triệu đồng, thế nhưng cả OSaka Garden, Hoàng Phú Vương, Hoa Phú Thịnh vẫn phát hành thành công các lô trái phiếu của mình.

Trong khi đó, Theo khoản 1, Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 nêu rõ, một trong những điều kiện để công ty cổ phần phát hành trái phiếu ra công chúng là “Hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”.

“Bóng dáng” Techcombank đằng sau Masterise Group?

Lưu ý rằng, những giao dịch tài chính giữa chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An với Techcombank chỉ xuất hiện ở khoảng thời gian người Masterise Group bước chân vào SDI Corp.

Nhìn về quá khứ, Techcombank đã không ít lần là bên cấp tín dụng cho các dự án do Masterise Group làm chủ đầu tư.

Chính những cái bắt tay này khiến không ít người đồn đoán Masterise Group là “sân sau” của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank. Mặc dù, ông Hồ Hùng Anh chưa lên tiếng nhưng những lời đồn đoán này cũng không phải không có cơ sở.

284373558-1009047193129400-2642171953077659725-n-1654226543.jpeg

Đơn cử, em trai ông Hồ Hùng Anh – ông Hồ Anh Ngọc (SN 1982) từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011 đến tháng 7/2012. Ông Ngọc, hiện đang là Thành viên HĐQT Techcombank nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Trong khi đó, em dâu ông Hồ Hùng Anh – bà Nguyễn Hương Liên (vợ ông Hồ Anh Ngọc) từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group vào tháng 2/2020.

Cả 6 công ty đều được thành lập vào tháng 2/2020, có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Sau đó, trong khoảng thời gian từ 4/2020 đến 5/2020, vị trí của bà Hương được chuyển sang cho ông Trần Quốc Hoài (Phó tổng giám đốc Masterise Homes, đang là pháp chế bán thời gian tại Techcombank AMC).

Bên cạnh đó, tại Techcombank, nữ doanh nhân 36 tuổi hiện nắm giữ gần 70 triệu cổ phiếu Techcombank, tương ứng giá trị thị trường khoảng 2.800 tỷ đồng.

Cuối cùng không thể không nhắc đến nhân sự cao cấp của Masterise Group, bà Đỗ Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masterise Group.

Theo giới thiệu trên website Techcom Securities, bà Đỗ Tú Anh là Cử nhân Khoa học Chuyên ngành Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội; Cử nhân Quản trị Kinh doanh, Đại học Columbia Southern, có hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc trong đó có 16 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh bất động sản.

Bà từng giữ các vị trị chủ chốt tại các công ty như: Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư INB (Dự án Thảo Điền); Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác Tài sản AMC khu vực Miền Nam (quản trị danh mục tài sản, phát mãi tài sản với tổng giá trị tài sản lên tới 2.000 tỷ đồng); Giám đốc Môi giới đầu tư Miền Bắc, Công ty Tư vấn Bất động Savills Việt Nam và nhiều chức vụ chủ chốt khác.

Bà còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thảo Điền (Dự án Masteri Thảo Điền), đồng thời là Giám đốc Chi nhánh miền Nam, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương.