Liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Sơn La - Hà Nội

25/10/2022 21:20

Ngày 23.10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ sự kiện "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" năm 2022, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Sơn La - Hà Nội với chủ đề “Sơn La điểm đến khác biệt, an toàn và hấp dẫn”.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Sơn La tập trung xây dựng mới và làm mới các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo để thu hút khách

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, đại diện các sở, ban, ngành địa phương trực thuộc tỉnh Sơn La, đại diện sở quản lý du lịch một số địa phương, các Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan báo chí tham dự Hội nghị.

 hội mới để phát triển du lịch Sơn La

Nằm trên trục đường Quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc, Sơn La có đường biên giới Việt - Lào dài 274 km và 12 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống. Với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Bắc, Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đặc sắc, là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước.

Theo bà Tráng Thị Xuân, trong những năm qua, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, các thành phần kinh tế có bước phát triển tiến bộ, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Du lịch cộng đồng, du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch thể thao...

 

 

Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch Hà Nội, Sơn La thảo luận về việc làm thế nào để thu hút khách tới Sơn La thời gian tới

Nhiều khu, điểm du lịch dần trở nên nổi tiếng, đã tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch Quỳnh Nhai, Ngọc Chiến, Cầu kính Bạch Long (cây cầu có đường đi bộ bằng kính dài nhất thế giới), điểm du lịch Pha Đin Top, Sống lưng khủng long, săn mây Tà Xùa… Đặc biệt, năm 2022 Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La được bình chọn là “Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu Châu Á”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV (2020-2025) xác định phát triển du lịch là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm trong toàn khóa với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc. Trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch bền vững và hội nhập quốc tế. Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 tổng lượt khách đạt 5,2 triệu lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.

9 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Sơn La ước đạt 2,2 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.000 tỉ đồng. Trong những năm qua, thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hoá và nâng cao chất lượng. Hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch Sơn La được đẩy mạnh; liên kết khai thác phát triển các tour du lịch, tuyến du lịch được quan tâm; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch...

 

 

Khu du lịch rừng thông bản Áng (Mộc Châu, Sơn La)

Đặc biệt tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hình thành trục giao thông liên thông kết nối các vùng, tạo thêm sự lựa chọn di chuyển với tốc độ cao từ trung tâm huyện Mộc Châu đến địa phận tỉnh Hòa Bình và Hà Nội. Từ việc phát triển hạ tầng giao thông này, việc kết nối tour du lịch giữa Sơn La và Hà Nội để phát triển du lịch là rất khả thi.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch (15.3) đến nay, thị trường du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, riêng 9 tháng đầu năm đã đạt gần 87 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu đón 60 triệu lượt khách nội địa năm 2022. Thị trường khách quốc tế cũng đang có nhiều tín hiệu tích phục hồi tích cực với việc đón 1,65 triệu lượt khách trong 9 tháng. Chúng ta đang kỳ vọng lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm khi mùa cao điểm khách quốc tế đã bắt đầu và các nước cũng đã có chính sách cởi mở hơn sau đại dịch Covid-19”.

Liên quan đến phát triển du lịch Sơn La thời gian tới và liên kết phát triển giữa Sơn La- Hà Nội, Tổng cục trưởng cho rằng, Sơn La cần tập trung xây dựng sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Sơn La cần xây dựng những sản phẩm độc đáo, khác biệt để thu hút du khách từ Hà Nội và cả nước. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, xu hướng, thị hiếu của du khách đã có sự thay đổi lớn. Với lợi thế của mình, Sơn La nên tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng. Hà Nội tập trung vào sản phẩm đô thị, MICE, văn hóa- lịch sử, ẩm thực để tạo ra các sản phẩm khác biệt, khả thi khi kết nối và cùng quảng bá, xúc tiến.

“Việc cùng quảng bá, xúc tiến cần được thống nhất cách thức thực hiện. Ngoài các tập gấp, tờ rơi, các địa phương cần tập trung vào e-marketing trên nền tảng số, mạng xã hội. Đồng thời, tập trung trao đổi, bàn bạc để hình thành các liên minh, liên kết, kích cầu du lịch, đưa khách tới Sơn La”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

 

 

Sơn La đang tạo những sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo để thu hút khách du lịch

Sơn La mong muốn đón khách từ thị trường cả nước

Với mong muốn và nỗ lực hình thành các tour du lịch Sơn La chất lượng hơn, thường xuyên hơn, Sơn La không chỉ hướng về thị trường Hà Nội mà cả thị trường miền Trung, miền Nam. Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết: “Để có thể thu hút khách từ thị trường cả nước đến Sơn La buộc điểm đến này phải có những thay đổi, tạo ra sự khác biệt. Trong đó, bản thân Sơn La phải có sự khác biệt và các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đến Sơn La cũng cần tạo thành sự khác biệt”.

Chắc không còn nơi nào trên đất nước Việt Nam còn được những thảo nguyên mênh mông như ở Mộc Châu (Sơn La). Màu sắc văn hóa ở vùng đất này cũng rất đậm đặc. Chính những điều đó đã tạo ra sự khác biệt cho Sơn La. Với những khách du lịch yêu thích văn hóa thì Sơn La chính là nơi có các bản làng đậm chất văn hóa để có thể tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, Sơn La đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đó là nhu cầu của khách quốc tế và nội địa sau đại dịch. Ông Thắng cho rằng, một điểm du lịch đi lên không phải tự nhiên mà định hình được thương hiệu ngay được mà nó phải có thời gian, phải mất vài năm, thậm chí hàng chục năm mới được du khách biết đến. Quan trọng là phải phát triển đúng hướng, bảo vệ cảnh quan môi trường và tạo sinh kế cho người dân.

 

 

Sơn La đang phát triển du lịch theo hướng xanh, bảo vệ môi trường và mang lại sinh kế cho người dân

Ông Thắng lấy ví dụ về việc phải làm cho khác biệt là vì chỉ có như vậy mới đủ sức để cuốn hút du khách, khiến khách đến Sơn La nhiều hơn, ở lại lâu hơn và có những trải nghiệm đáng nhớ ở đây. Những người làm du lịch rất sẵn sàng làm du lịch khác biệt. Tráng A Chu, người dân tộc Mông đang làm du lịch rất khác biệt và theo chiều hướng tốt ở Hua Tạt (huyện Vân Hồ, Sơn La) với mô hình A Chu homestay. Tỉnh Sơn La những năm gần đây cũng trải thảm đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án du lịch. Nhiều dự án hình thành trong đó có Mocchau Island đang tạo sự khác biệt và đa dạng để du lịch Sơn La cất cánh. Những người làm du lịch ở địa phương rất tích cực, phong trào học tập lên rất cao để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.

Hiện nay, ở Tây Bắc, Điện Biên có cửa khẩu Tây Trang, Lai Châu có cửa khẩu Ma Lù Thàng, Sơn La có cửa khẩu Chiềng Khiêng, Lóng Sập nối với Lào.... Những điều kiện này có thể giúp Sơn La và các tỉnh Tây Bắc tạo thành tuyến mới, khác biệt để làm ra các sản phẩm mới sang nước bạn Lào. Các doanh nghiệp gợi ý những tour du lịch hấp dẫn như: Hà Nội- Mộc Châu- Sầm Nưa- Luang Prabang- Điện Biên Phủ- TP Sơn La- Phù Yên- Hà Nội; Hà Nội- Sơn La- Sầm Nưa- Cánh đồng Chum- Luang Prabang- Vienchan- Nghệ An- Hà Nội; Hà Nội- Mộc Châu- cửa khẩu Lóng Sập Sầm Nưa- cửa khẩu Chiềng Khương- TP.Sơn La- Quỳnh Nhai- Hà Nội.... Tuyến du lịch đồng bằng và miền núi, giữa Lào và Việt Nam sẽ rất tuyệt vời nếu kết nối các điểm đến Hà Nội- Sơn La và Lào.

 

 

Đoàn khách đi tour của Tiên Phong Travel qua Mộc Châu, cửa khẩu Lóng Sập sang Sầm Nưa (Lào)

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong travel chia sẻ: "Mới đây, Tiên Phong travel đã tổ chức 2 đoàn hơn 100 khách kết nối đi từ Hà Nội – Mộc Châu qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập đến Sầm Nưa (Lào). Trước đây, chương trình đi Mộc Châu thường 2 ngày 1 đêm nhưng khi liên kết tour sang Lào, chương trình kéo dài 3 ngày 2 đêm. Với lịch trình 3 ngày 2 đêm, đoàn đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại những điểm đến nổi tiếng ở Mộc Châu như: Cầu kính Bạch Long; thác Dải Yếm; đồi chè trái tim; khu du lịch Happy Land; khu du lịch Rừng thông bản Áng. Qua cửa khẩu Pa Háng sang nước bạn Lào, đoàn đến thăm Khu di tích Kaysone Phomvihane, chùa ông Tứ, chợ Sầm Nưa…”

“Quá trình khảo sát và tổ chức tour cho thấy hạ tầng giao thông từ Lóng Sập sang Sầm Nưa rất đẹp nhưng đường từ Mộc Châu đến cửa khẩu quốc tế Lóng Sập còn xấu nên cần tỉnh quan tâm đầu tư tuyến đường này. Hiện việc qua cửa khẩu Lóng Sập mới dành cho khách Việt Nam nhưng tương lai sẽ mở ra cơ hội đón khách quốc tế đến Mộc Châu, Sơn La qua cửa khẩu này là rất lớn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho du lịch Sơn La phát triển hơn nữa trong thời gian tới".

 

 

Sơn La có nhiều điều kiện thích hợp để phát triển các tour du lịch thể thao, mạo hiểm, du lịch sinh thái, cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Phượng Hoàng Mộc Châu, đơn vị quản lý khu du lịch rừng thông bản Áng (Mộc Châu, Sơn La) cho biết Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Sơn La giới thiệu sản phẩm và các chương trình kích cầu tới doanh nghiệp Hà Nội và du khách. Khu du lịch rừng thông bản Áng có thể tổ chức các sự kiện hàng nghìn khách, rất thích hợp để tổ chức các sự kiện Hội nghị, hội thảo, khen thưởng kết hợp du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Anh, Tổng giám đốc Mộc Châu Island chia sẻ, vì mới khai trương dịp 30.4 và 1.5 nên hiện nay khách tới Khu du lịch Mộc Châu Island chủ yếu là khách lẻ, khách đoàn qua đại lý và công ty du lịch chỉ chiếm 20%.  Ông Nguyễn Tiến Anh mong muốn được kết nối thực chất, hiệu quả với các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và cả nước để đưa khách tới Mộc Châu, Sơn La.

Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa góp ý Sơn La cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trên cả nước, thu hút đầu tư để xây dựng các dự án du lịch lớn, khách sạn, nhà hàng có khả năng đón các đoàn đông, chú trọng khai thác mảng du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch bằng xe tự lái.... để tăng thời gian lưu trú của khách và tăng doanh thu từ du lịch.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch.

Thuý Hà - Mai Châu