Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, ngày 15.2, huyện Trạm Tấu tổ chức Lễ hội Gầu Tào năm 2025.
Từ sáng sớm, khi sương mù còn bao trùm khắp các bản làng của huyện Trạm Tấu, không khí ngày hội Gầu Tào đã tưng bừng với lá cờ đỏ sao vàng, cờ hoa tung bay phấp phới hòa cùng dòng người tấp nập trên các tuyến đường đổ về sân vận động thị trấn Trạm Tấu để vui hội.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng chia vui và chúc mừng đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu tại Lễ hội Gầu Tào. Ảnh: An Vi
Lễ hội không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào H’Mông mà còn lan tỏa sang đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Khơ Mú trong huyện và huyện Bắc Yên, Mường La (Sơn La), tạo nên bức tranh đặc sắc, hội tụ bản sắc Tây Bắc.
“Gầu Tào” theo tiếng H’Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Tùy từng vùng người H'Mông, lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau, thường từ mùng 5 đến ngày 15 tháng Giêng để cầu cảm tạ thần linh, xin trời đất ban cho con cái, sức khỏe, may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Thi giã bánh dày, hoạt động không thể thiếu tại Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông. Ảnh: An Vi
Theo truyền thuyết dân gian của người H’Mông, trước đây, những cặp vợ chồng nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con như ý và hứa sẽ tạ ơn.
Khi đã có được người con như mong muốn, gia đình đó sẽ tổ chức lễ để tạ ơn thần núi, thần đồi như đã hứa và mổ trâu để khao dân bản ngay tại bãi đất bằng của quả đồi, quả núi mà gia đình đó đã cầu con. Sau khi mọi người cùng nhau ăn uống sẽ chơi các trò chơi, hát các bài hát dân ca, múa khèn, múa ô, múa gậy vui vẻ để mừng cho gia chủ. Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào cũng bắt đầu từ đó.



Các trò chơi dân gian thu hút sự tham gia cổ vũ của người dân và du khách. Ảnh: An Vi
Trước đó vào tối 14.2, tại sân vận động Trung tâm huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã diễn ra Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn.
Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 trong tổng số 11 Di sản văn hóa phi vật thể ở Yên Bái đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Gầu Tào là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa được đồng bào dân tộc H'Mông duy trì và gìn giữ. Ảnh: An Vi
Anh Hồ Thành Đạt, du khách đến từ Quảng Ninh, cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Yên Bái. Được tận mắt chứng kiến các nghi lễ của lễ hội Gầu Tào, anh Đạt cảm thấy rất thú vị. Anh còn trải nghiệm những trò chơi của người bản địa như ném pao, đánh lông gà…