Ngày 13/1, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện "chủ quán thịt chó 6 năm ở Thái Nguyên quyết định giải nghệ" thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Theo tìm hiểu, quán thịt chó trên của anh Đàm Thế Hiệp (41 tuổi, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Tháng 11/2022, anh Hiệp đã mạnh tay xé bỏ tấm biển quảng cáo "đặc sản thịt chó" bên ngoài quán ăn của mình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Hiệp nói "cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm và tư tưởng thoải mái" sau hơn một năm đóng cửa quán thịt chó.
Anh đã chuyển đổi sang mô hình kinh doanh vật tư nông nghiệp, gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng... phục vụ bà con trong xã.
Nhớ lại đầu năm 2016, mới trở về địa phương sau thời gian đi lao động, người đàn ông không có việc làm, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhận thấy nhu cầu thị trường về thịt chó phát triển, anh mở nhà hàng chó, mèo để kiếm sống.
Anh mua chó từ dân làng, chọn những con trưởng thành, chưa đến tuổi sinh sản. Mỗi ngày, quán làm thịt từ 7-10 con chế biến đủ món phục vụ thực khách ăn tại quán hoặc bán mang về. Thời điểm đó, trung bình mỗi tháng anh Hiệp kiếm được 50-60 triệu đồng.
Trải qua những lần giết, mổ, hành động "cầu xin" của những con chó khiến anh ám ảnh.
"Tôi thương xót và cảm nhận con vật sống tình cảm. Dần dần tôi thấy công việc không còn phù hợp nữa nên quyết tâm giải nghệ", anh Hiệp nói.
Việc đóng cửa cơ sở kinh doanh của anh Hiệp là một phần trong chương trình "Mô hình thay đổi - Models for change" của tổ chức Humane Society International (HSI) tại Việt Nam.
Mô hình nhằm giúp cộng đồng chuyển đổi sinh kế khỏi hoạt động buôn bán thịt chó.
HSI đã hỗ trợ anh Hiệp một khoản kinh phí để chuyển đổi mô hình kinh doanh, đồng thời giải cứu 20 con chó còn lại trong quán đưa đến trạm cứu hộ động vật.
HSI đã tiến hành cuộc nghiên cứu tại Thái Nguyên và xác nhận nguồn cung cho hoạt động buôn bán thịt chó ở Việt Nam có cả nguồn đến từ việc bắt chó thả rông trên đường phố hoặc trộm chó từ nhà dân.
Những kẻ buôn bán thường sử dụng mồi tẩm độc vào trong thịt viên để dụ chó, và bắt chó bằng súng bắn điện hoặc kìm sắt gây đau đớn. Các lái buôn cũng thu mua chó từ người dân địa phương, những người thỉnh thoảng bán chó "dư thừa" để kiếm thêm thu nhập.
Chó bị nhốt chặt trong những chiếc lồng nhỏ trong nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày, nhiều con chó bị thương cũng như kiệt sức vì mất nước, ngạt thở, say nắng hoặc chết trước khi xe vận chuyển đến điểm cuối - lò mổ, chợ chó hoặc nhà hàng thịt chó.
Sau khi anh Hiệp tuyên bố giải nghệ, nhiều người trong nghề khuyên anh quay lại công việc này bởi "vừa nhàn vừa đem lại nhiều lợi ích kinh tế" hơn kinh doanh vật tư nông nghiệp.
"Quan điểm của tôi là từ bỏ, không muốn sát sinh. Tôi hiểu công việc này mang lại nhiều điều không tốt đẹp cho gia đình mình", anh nói, cho biết 2 người bạn từng kinh doanh thịt chó cũng đã từ bỏ, chuyển đổi kinh doanh.
Trước đó, đầu tháng 12/2023, chính quyền thành phố Hội An và tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) đã vận động đóng cửa thành công một trong những quán thịt chó lâu đời nhất tại địa phương.
Ông Phạm Văn Quyết (chủ quán) cho biết cơ sở đã hoạt động gần 15 năm, tiêu thụ trung bình 350 con chó/năm. Sau khi tình nguyện đóng cửa nhà hàng, ông chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác.
Cùng thời điểm, quán thịt mèo giết 300 con mỗi tháng ở Thái Nguyên của anh Phạm Quốc Doanh (37 tuổi, phường Thịnh Đán) cũng tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn, chuyển sang kinh doanh tạp hóa.
Đầu năm 2024, Hàn Quốc thông qua luật cấm giết, mổ và bán thịt chó, chấm dứt tập tục gây tranh cãi hàng thế kỷ khi ngày càng nhiều người ủng hộ quyền động vật.
Theo luật mới, việc nuôi hoặc giết, mổ chó để lấy thịt, cũng như phân phối hoặc bán thịt chó sẽ bị cấm. Người giết, mổ chó phải đối mặt án tù tối đa ba năm hoặc bị phạt tiền 30 triệu won (khoảng 559 triệu đồng).
Người nuôi chó để lấy thịt hoặc phân phối có thể đối mặt mức án tối đa hai năm tù hoặc phạt tiền 20 triệu won (khoảng 373 triệu đồng).
Luật sẽ có hiệu lực từ năm 2027, để những người buôn bán thịt chó có thời gian chuẩn bị. Trong ba năm tới, nhà nước và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tài chính cho những người buôn bán để họ đóng cửa hoạt động hoặc chuyển nghề.