Khởi nghiệp từ mô hình "cà phê mang đi” ở phố núi Điện Biên

26/09/2024 08:35

Dù chỉ bỏ ra một số tiền khiêm tốn, nhiều bạn trẻ Điện Biên đã “hô biến” chiếc xe máy thành quán "cà phê mang đi" để thu về hàng triệu đồng mỗi ngày.

tp-tim-kiem-2-7160-1727313711.jpg
Thu tiền triệu mỗi ngày từ mô hình kinh doanh cà phê mang đi ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Đạt

Khác với hình ảnh quen thuộc của các quán cà phê truyền thống, mô hình cà phê mang đi tại Điện Biên có "menu" đơn giản. Điểm nhấn của mô hình này khi bán trên các tuyến phố ở trung tâm TP Điện Biên Phủ, chính là sự tiện lợi.

Nhận thấy tiềm năng thị trường từ sự thành công của mô hình kinh doanh cà phê “mang đi” ở các thành phố lớn, anh Lò Văn Khải - xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, đã quyết định đầu tư tại Điện Biên.

Với vị trí thuận lợi tại trục đường chính Võ Nguyên Giáp, mô hình cà phê mang đi của anh Khải nhanh chóng được nhiều người biết đến. Trung bình mỗi ngày anh bán ra hơn 50 ly cà phê, chủ yếu là các loại cà phê muối và cà phê nâu. Với giá cả phải chăng dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/ly, doanh thu từ mô hình này đạt trên 1 triệu đồng/ngày.

Các chủ kinh doanh sử dụng chính cà phê địa phương để tạo điểm nhấn. Ảnh: Quang Đạt
Các chủ kinh doanh sử dụng chính cà phê địa phương để tạo điểm nhấn. Ảnh: Quang Đạt

Theo anh Khải, với số vốn ban đầu khoảng 5 triệu đồng, anh đã trang bị cơ bản các thiết bị pha chế và nguyên liệu cần thiết, có thể mở mô hình bán cà phê di động. “Điều đặc biệt, khi kết hợp cà phê Arabica Mường Ảng nổi tiếng của địa phương với các loại cà phê khác sẽ tạo ra hương vị độc đáo” - anh Khải nói.

Mặc dù mới ra mắt cách đây khoảng 3 tháng, cà phê của anh Khải đã thu hút được một lượng lớn khách hàng. Đặc biệt, món cà phê muối đã trở thành "đặc sản" được nhiều người yêu thích, với hơn 2.000 ly được bán ra. Cùng với đó là hơn 1.000 ly cà phê nâu và gần 1.000 ly Matcha.

Là một trong những người tiên phong trong mô hình này tại tỉnh Điện Biên, chị Lò Thị Khuyên - phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ - cho rằng: “Với vốn đầu tư không quá lớn, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu kinh doanh cà phê mang đi. Chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu cà phê, một số dụng cụ pha chế đơn giản là đã có thể bắt đầu”.

Mỗi ngày quầy của chị Khuyên bán ra hơn 300 ly cà phê. Ảnh: Quang Đạt
Mỗi ngày quầy của chị Khuyên bán ra hơn 300 ly cà phê. Ảnh: Quang Đạt

Theo chị Khuyên, thay vì dành thời gian ngồi lại quán cà phê, khách hàng không có nhiều thời gian thường chọn mua cà phê mang đi để thưởng thức khi đến công sở. Với chất lượng ổn định và giá cả hợp lý, mỗi ngày quầy bán ra trung bình hơn 300 ly cà phê, mang lại doanh thu lên đến 6-7 triệu đồng và lợi nhuận đạt trên 50%.

“Bên cạnh khách ghé quầy, tôi còn đẩy mạnh bán online, ship tận nơi. Để đa dạng sản phẩm, tôi còn phục vụ cả các loại trà, trái cây và một số đồ ăn khác” - chị Khuyên nói.

Giá cả của cà phê mang đi thường khá hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Ảnh: Quang Đạt
Giá cả của cà phê mang đi thường khá hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Ảnh: Quang Đạt

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động, trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, đồ uống ở các mô hình cà phê mang đi thường có giá thấp hơn so với các quán cà phê từ 5.000 - 10.000 đồng/ly. Do không mất chi phí thuê mặt bằng và nhân viên phục vụ. Nhờ đó, có thể tối ưu hóa lợi nhuận.

Anh Nguyễn Văn Hoàn - xã Thanh Luông, huyện Điện Biên - cho biết: “Tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ của mô hình cà phê mang đi vì nó phù hợp với dân lao động như chúng tôi khi tiết kiệm được thời gian và có thể thưởng thức đồ uống mọi lúc mọi nơi”.

Đông đảo khách hàng thưởng thức cà phê ngay tại cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Quang Đạt
Đông đảo khách hàng thưởng thức cà phê ngay tại cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Quang Đạt

Mới ra mắt được hơn một tuần, mô hình cà phê mang đi của anh Nguyễn Tấn Sang - xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cũng đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Theo anh Sang, để có được những khách hàng đầu tiên là việc khó khăn nhất. "Sau khi đã vượt qua giai đoạn này thì việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng lòng tin với khách hàng là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và ổn định về chất lượng cũng như thái độ phục vụ" - anh Sang cho biết thêm.

QUANG ĐẠT