Khai thác khéo léo văn hóa và con người vùng Tây Bắc, Đông Bắc

17/11/2022 20:58

Có một quán cà phê tên AnHouse ở TP.HCM, mà vào đó bạn cứ ngỡ mình đang ở Tây Bắc. Chủ nhân của nó là anh Trường An, một hướng dẫn viên du lịch có thể say sưa nói về văn hóa, con người… ở Tây Bắc không biết mệt.

Khai thác khéo léo <a href=văn hóa và con người vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 1." data-original="https://cdn.tuoitre.vn/2020/10/25/image1-16035902761601377137900.jpg" h="576" height="" id="img_80348850-1660-11eb-882d-d15eabac42b1" photoid="80348850-1660-11eb-882d-d15eabac42b1" rel="lightbox" src="https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2020/10/25/image1-16035902761601377137900.jpg" title="Khai thác khéo léo văn hóa và con người vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 1." type="photo" w="1024" width="" />

Trường An biểu diễn sáo bầu - một nhạc cụ của vùng Tây Bắc - trong không gian quán cà phê đậm chất Tây Bắc - Ảnh: N.B.

Thất nghiệp vì COVID-19 nhưng anh An cũng bận tíu tít theo quán cà phê và đi giao cơm tháng do vợ nấu. Vì vậy, anh không có thời gian để viết bài góp ý cho Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành, mà chỉ nói để chúng tôi ghi chép lại...

Khai thác giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa và nét đặc sắc của con người Tây Bắc - Đông Bắc một cách khéo léo chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách.

TRƯỜNG AN (hướng dẫn viên du lịch)

Cái gì chinh phục du khách Mỹ?

Chuyên mảng đưa du khách Mỹ đi xuyên Việt gần 10 năm, mỗi chuyến đi của tôi thường kéo dài đến 25 ngày đưa du khách trải qua bao vùng đất đẹp của đất nước và ai cũng dễ dàng bị chinh phục. Trong hành trình xuyên Việt ấy, điểm hấp dẫn với các du khách và để họ phải kể lại nhiều chính là điểm đến Tây Bắc và Đông Bắc.

Điểm hấp dẫn họ chính là con người và sự đặc sắc của văn hóa bản địa mà người dân vùng cao này đã gìn giữ được, thể hiện rõ nhất từ ấn tượng đầu tiên là qua trang phục. Người dân vùng Đông Bắc - Tây Bắc là nơi đặc trưng của Việt Nam còn lưu giữ những giá trị văn hóa thông qua trang phục hằng ngày như người dân tộc Mông, Dao, Giáy... 

Mỗi dân tộc có những trang phục, phong tục tập quán, ẩm thực, kiến trúc nhà ở khác nhau. Sự đa dạng của từng cộng đồng nhỏ này đã tạo nên sự đa dạng cho cả vùng đất, một sức hấp dẫn đặc sắc từ con người.

Cảnh vật, thiên nhiên núi rừng Tây Bắc cũng mang những nét đặc trưng choáng ngợp với bất kỳ du khách nào. Hành trình từ Hà Nội lên Tây Bắc luôn được những hướng dẫn viên du lịch chờ đợi để giới thiệu với du khách nhất. Chỉ có ở Tây Bắc du khách mới ngắm được những đồng ruộng bậc thang làm say đắm lòng người, đặc biệt là vào mùa lúa chín, hay cảnh núi non hùng vĩ.

Hơn thế nữa là sự đón tiếp nồng ấm của người dân bản địa. Dù bạn là ai thì chỉ cần đến nhà, người dân luôn sẵn sàng đón tiếp nồng hậu, họ mời bạn vào nhà, cùng nâng chén rượu ngô. Trong tiết trời se lạnh, cùng quây quần bên bếp lửa, nâng chén rượu ngô, mọi khoảng cách, địa lý không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi nghĩ chỉ có ở Tây Bắc - Đông Bắc du khách mới được đón tiếp như vậy và rất phù hợp với cách đi du lịch của khách nước ngoài.

Làm nổi bật chi tiết và sự đa dạng văn hóa

Người nước ngoài đi du lịch không chỉ ngắm cảnh đẹp mà họ khát khao được tìm hiểu văn hóa bản địa. Họ muốn biết họa tiết trên áo quần người Mông, lễ hội Makho, các điệu khèn... có ý nghĩa gì. Dựa trên nhu cầu đó của khách, các hướng dẫn viên du lịch chúng tôi cũng đặt "bài tập" cho mình là tìm hiểu sâu, chú ý đến những chi tiết nhỏ nhưng mang đến nhiều bất ngờ cho khách.

Các tour đến vùng Tây Bắc - Đông Bắc đòi hỏi phải nhấn mạnh được yếu tố giao thoa văn hóa, giúp du khách cảm nhận được sự hạnh phúc của người dân địa phương, lối sống hài hòa thiên nhiên, núi rừng, những căn nho nhỏ, lụp xụp nhưng ấm cúng... Điều này giúp du khách khi rời đi họ nhớ đến con người Tây Bắc hiền hậu, cảnh đẹp Việt Nam đặc sắc hùng vĩ.

Tour về Tây Bắc, Đông Bắc do đó phải thiết kế sự đa dạng văn hóa của dân tộc vùng cao, khách ngủ nhà sàn, ăn cơm lam... để trải nghiệm một cuộc sống như người địa phương. Thông qua đó, hướng dẫn viên sẽ giúp du khách lý giải được vì sao người Thái ngủ nhà sàn, nghe chính những người già trong làng kể chuyện. Tour thường kéo dài ít nhất 5 ngày để đảm bảo ở mỗi điểm đến phải nghỉ qua đêm, như lên Sa Pa phải nghỉ lại ít nhất 3 đêm để mỗi ngày sẽ khám phá Tà Phìn, Lao Chải.

Nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa trong các tour du lịch của người Việt chưa cao, phần lớn là đi để ngắm cảnh đẹp, "check-in" và mua sắm. Nhưng tôi biết vẫn có rất nhiều người Việt ưa thích khám phá văn hóa, nét riêng ở vùng cao, ý thức bảo tồn văn hóa, giá trị du lịch bền vững.

Theo tôi, trong liên kết vùng đưa khách từ TP.HCM đến khu vực này, Tây Bắc phù hợp những tour đoàn, doanh nghiệp, đông người do cơ sở hạ tầng khu vực này đã tương đối hoàn thiện từ đường sá đến khách sạn, nhà hàng...

Trong khi đó, tour vùng Đông Bắc hợp với đoàn nhóm nhỏ, cá nhân... do đường đi lên vùng cao này còn rất khó khăn, các điều kiện hạ tầng cũng chưa thực sự sẵn sàng. Ngoài ra, các tour mang tính thiện nguyện, du lịch kết hợp hoạt động xã hội cũng rất phù hợp. Người miền Nam quanh năm sống với khí hậu nóng, ẩm nên họ cũng rất thích mùa lạnh, các mùa hoa...

Nhưng để có sản phẩm tour hấp dẫn, kể được câu chuyện hay thì các công ty du lịch, hướng dẫn viên vẫn rất cần thông tin từ cơ quan quản lý, vì hơn ai hết chính người địa phương mới là người hiểu rõ vùng đất ấy.

Khai thác giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa và nét đặc sắc của con người Tây Bắc - Đông Bắc một cách khéo léo chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách. Ngoài ra, trong phát triển du lịch hiện nay, khách cũng yêu cầu cao ý thức, trách nhiệm xã hội như việc xả rác, sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường... những yếu tố này người vùng cao vẫn chưa thực sự quen lắm.

Như Bình