Hơn 3 tháng qua, chị Bàn Thị Minh ở xã Sơn Nam (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có công việc ổn định tại một công ty chuyên làm về giày da xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương) với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. So với công việc trước thì không bằng nhưng chị Minh xác định sẽ gắn bó lâu dài.
Chị Minh chia sẻ: “Ngày trước tôi làm ở Bắc Giang, cũng là công nhân. Thu nhập tuy cao hơn một chút nhưng phải xa nhà, ăn ở trọ cũng không yên tâm. Mấy tháng trước, tôi về quê chơi, lúc đó ở xã có phiên giới thiệu việc làm, tôi ra xem thử và không ngờ lại tìm được công việc phù hợp. Bây giờ có công việc gần nhà, thu nhập ổn định, tôi cảm thấy rất tốt vì có điều kiện chăm sóc con cái”.
Khác với chị Minh, chị Lý Minh Hiền, xã Thái Bình (huyện Yên Sơn) đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Hiện tại chị đang học tiếng và đào tạo nghề tại một công ty liên kết ngay tại TP Tuyên Quang, nếu thuận lợi, sau Tết Nguyên đán 2025 chị sẽ chính thức đi làm việc có thời hạn 3 năm ở Nhật Bản.
Chị Hiền cho hay: “Cũng nhờ doanh nghiệp xuất khẩu lao động họ về tới xã theo phiên giao dịch việc làm nên mình được tư vấn, thấy phù hợp với điều kiện bản thân là chọn đi luôn. Đi làm tại Nhật Bản 3 năm với mức thu nhập dự kiến khoảng 40 triệu đồng/tháng, kiếm chút vốn rồi về quê làm ăn”.
Việc tăng cường giới thiệu việc làm, thu hút đầu tư đã góp phần giải quyết, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động tại tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức giới thiệu, kết nối doanh nghiệp và NLĐ cũng được đổi mới theo hướng về tới cơ sở, đến với NLĐ. Những phiên giao dịch online được tổ chức thường xuyên để gia tăng tính kết nối giữa NLĐ trong tỉnh với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trên địa bàn có nhu cầu, tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 26.300 lao động, đạt trên 116% kế hoạch năm 2024. Trong đó, giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh là trên 16.500 lao động, lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trên 8.200 người, lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là gần 1.500 người.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2024 Sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và các huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở tất cả các huyện và thành phố, mỗi phiên thu hút từ 1.000 đến 2.000 người tham gia. “Tại các phiên giao dịch, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề đã giới thiệu hàng chục nghìn vị trí việc làm, tuyển sinh và học nghề, giúp người lao động tiếp cận được với công việc phù hợp. Thông qua đó đã tạo cơ hội giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp để nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống” - ông Cường thông tin.
Được biết, mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang đến hết năm 2025 phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ góp phần quan trọng tạo sinh kế bền vững và từng bước kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo.