Tham dự có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ; lãnh đạo 2 huyện Thạch An, Quảng Hòa; đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 14.252 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2024 (bao gồm số vốn 2023 kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán trong năm 2024) trên 1.934 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 176 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, đến nay, trên địa phận tỉnh Cao Bằng bàn giao mặt bằng thi công cho doanh nghiệp dự án được 41,26 km/41,35 km, đạt 99,78% chiều dài đoạn tuyến (tương ứng với diện tích khoảng 221,87 ha/260,76 ha). Địa phận tỉnh Lạng Sơn bàn giao mặt bằng thi công cho doanh nghiệp dự án được 10,3 km/52 km, đạt 19,81% (tương ứng với 50,13ha/312,01ha), đạt 16,07% tổng diện tích. Các công việc liên quan như: rà phá bom mìn, vật liệu nổ; di chuyển đường điện, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại địa phận tỉnh Cao Bằng cơ bản hoàn thành; còn trên địa phận tỉnh Lạng Sơn hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế, thực hiện điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 13 km do thay đổi hướng tuyến.
Đối với các mỏ vật liệu, địa phận tỉnh Cao Bằng dự kiến có 19 mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án, trong đó có 2 mỏ đá đang hoạt động; 11 mỏ có trong quy hoạch; 6 mỏ không có trong quy hoạch tỉnh. Doanh nghiệp dự án đề xuất bổ sung 4 mỏ đất đắp, 20 vị trí đổ thải. Giai đoạn 1 của Dự án địa phận tỉnh Cao Bằng sử dụng 6 vị trí với diện tích 21,64 ha.
Doanh nghiệp dự án đang triển khai các gói thầu EC01, EC02, EPC; hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất trên toàn tuyến; thiết kế kỹ thuật phần tuyến (bao gồm cầu) được 90,5 km/93,35 km (đạt 97%). Hồ sơ thiết kế kỹ thuật phần hầm số 2 đang hoàn thành thẩm định; hầm số 1 đã hoàn thành thẩm tra. Doanh nghiệp dự án tập trung huy động 22 mũi thi công, gồm: 11 mũi thi công đường, 2 mũi thi công hầm và 9 mũi thi công cầu với 248 máy móc, thiết bị và 623 kỹ sư, công nhân làm việc.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho ý kiến về tiến độ giải ngân, công tác bố trí tái định cư; bãi đổ thải, mỏ xây dựng vật liệu thông thường; công tác thiết kế kỹ thuật còn chậm so với tiến độ giải phóng mặt bằng; việc điều chỉnh hướng tuyến tại một số vị trí trên toàn tuyến. Chưa có căn cứ lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh bổ sung; chưa triển khai công tác rà phá bom mìn, vật nổ đối với các đoạn điều chỉnh...
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đề nghị các thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ tăng cường phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các huyện Quảng Hòa, Thạch An khẩn trương giải ngân tiền đền bù giải phóng mặt bằng, bồi thường hoa màu, tài sản cho nhân dân vùng dự án.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát lại diện tích rừng đối với các đoạn điều chỉnh hướng tuyến; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tái định cư tập trung, tái định cư phân tán trên cơ sở đảm bảo nguyện vọng, quyền lợi của người dân. Doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ thiết kế, thi công đối với diện tích đã được bàn giao mặt bằng. Khẩn trương lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; phối hợp thực hiện và đẩy nhanh tiến độc thực hiện các thủ tục thanh toán đối với các khối lượng đã hoàn thành đảm bảo đúng quy định pháp luật…