Nơm nớp lo từ khi xuất hiện hố "tử thần"
Hố "tử thần" xuất hiện tại Km80+050 thuộc quốc lộ 3B, đoạn đi qua thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Sau 5 ngày miệng hố đã có đường kính gần 9m. Quốc lộ 3B là tuyến đường dài 200km, nối giữa 3 tỉnh Lạng Sơn - Bắc Kạn - Tuyên Quang.
Chị Đàm Thị Hiền (xã Kim Lư, huyện Na Rì) sống gần miệng hố "tử thần" nơm nớp lo âu. Chị kể, sáng 29/3, đang ngồi trong nhà, nghe tiếng hàng xóm nhốn nháo ngoài đường, chị vội vàng chạy ra và bất ngờ khi thấy trước mặt là một hố "tử thần" nằm giữa dải phân cách.

"Tôi ở trong nhà không biết diễn biến trước khi xuất hiện hố "tử thần". Hàng xóm kể lại có nghe tiếng bụp rất mạnh. Một lúc sau, mọi người chạy ra đã nhìn thấy hố tròn giữa đường, miệng hố rộng, bên dưới rất sâu", chị Hiền nhớ lại.
Theo nhân chứng này, ban đầu miệng hố chỉ khoảng vài mét, sau vài ngày đã mở rộng ra, choán gần như cả 2 làn đường. Những ngày qua, hàng trăm khối đất đá đã được đổ xuống nhưng chỉ sau một đêm, số đất đá này lại bị trôi tuột.
Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã chăng dây ngăn các phương tiện di chuyển qua đây.
Điều chị Hiền lo nhất là tường rào phía trước nhà gần với hố tử thần cũng xuất hiện vết nứt với khe hở 4-5cm.
"Tôi sợ rằng nếu miệng hố tiếp tục kéo đất sụp xuống, sẽ có một ngày cả căn nhà kiên cố của tôi cũng bị ảnh hưởng, thậm chí đổ sập", chị Hiền nói.
Anh Hoàng Nam (người dân xã Kim Lư, huyện Na Rì, Bắc Kạn) sống tại vị trí cách miệng hố khoảng 200m. Theo anh Nam, đường kính của hố khoảng 9m, độ sâu hơn 8m, phía dưới có nhiều nước.
"Mấy hôm trước, đất và đá đổ xuống bên dưới nhưng sau một đêm tất cả lại bị kéo sụp. Ước tính khoảng 200m3 đất đá đã được dùng để lấp nhưng chưa khắc phục được", anh Nam cho biết.
Là người thường xuyên theo dõi diễn biến sự việc, anh Chu Văn Thường - sống cách hố "tử thần" 500m - bày tỏ sự bất an khi đất, đá được dùng để lấp hố đều bị cuốn trôi.
"Đá được đổ xuống để lấp hố nhưng mãi vẫn không phủ được hàm ếch, bị hút xuống dưới. Bên dưới hố có nước và đá kèm hang hốc", anh Thường cho biết.
Thống kê các hộ dân, sẵn sàng phương án di dời
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lý Văn Kiên (Trưởng thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì), cho biết địa phương đã thống kê có hơn 20 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trong đó, căn nhà nằm gần miệng hố "tử thần" nhất là 20m. Xã luôn sẵn sàng phương án di dời người dân đến nơi an toàn, nếu miệng hố tiếp tục kéo sụt đất.
Theo ông Kiên, gần 200m3 đá đã được đổ xuống với hy vọng lấp hố "tử thần" nhưng tất cả đều trôi tuột.

"Hiện, đơn vị bảo dưỡng đường bộ dùng máy xúc để múc đất, tạo hình phễu, sau đó đổ đất, đá xuống để xem xét mức độ sụt lún", vị trưởng thôn Hiệp Lực nói.
Được biết, cách đây ít ngày, phương án đổ đá hộc và đá bay xuống để lấp hố đã được áp dụng nhưng bất thành.
"Chúng tôi đã dùng ô tô đổ 20m3 đá hộc, sau đó đội bảo dưỡng đường bộ đổ thêm 100m3 đá xô bồ xuống hố. Tuy nhiên, sau một đêm, tất cả đều trôi tuột. Thời điểm đó, chúng tôi đã tạm dừng để tìm phương án khác", ông Kiên thông tin.
Ngay sau khi hố "tử thần" xuất hiện, cơ quan chức năng đã khoanh vùng khu vực nguy hiểm, chăng dây cảnh báo để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Về phương án phân luồng, tổ chức giao thông qua vị trí hố sụt, văn bản của Sở Xây dựng Bắc Kạn cho biết, các phương tiện lưu thông theo hướng từ TP Bắc Kạn đi tỉnh Lạng Sơn đến km82+900 quốc lộ 3B rẽ trái vào trung tâm thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì đến km75+900 nhập vào quốc lộ 3B.
Còn các phương tiện đi theo hướng từ tỉnh Lạng Sơn ra TP Bắc Kạn, đến km75+900 rẽ phải vào trung tâm thị trấn Yến Lạc, tại km82+900 nhập vào quốc lộ 3B.