Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 23 hồ, đập thủy lợi, dung tích từ 0,1 - 3,71 triệu m3, trong đó 16 hồ lớn; 2 hồ vừa và 5 hồ nhỏ.
Thời điểm hiện tại 23 hồ, đập thủy lợi trên địa bàn đã thực hiện kê khai đăng ký an toàn hồ, đập. Tuy nhiên, mới chỉ có 6/18 hồ có quy trình vận hành, điều tiết được UBND tỉnh phê duyệt, gồm: Khuổi Khoán (TP Cao Bằng), Bản Viết (huyện Trùng Khánh), Khuổi Lái, Nà Tấu (huyện Hòa An), Bản Nưa (huyện Hà Quảng), Nà Lái (huyện Quảng Hòa).
Đến nay, duy nhất hồ Khuổi Khoán được lắp đặt thiết bị quan trắc, 22/23 hồ nước còn lại mới được lắp cột thủy trí để quan trắc mực nước, chưa có thiết bị quan trắc công trình.
Được biết, hầu hết các hồ thủy lợi tại Cao Bằng đều xây dựng từ lâu, trải qua thời gian dài sử dụng đã xuất hiện hư hỏng. Nhiều người dân sống gần hồ hoặc cuối nguồn luôn canh cánh nỗi lo.
Tại khu vực hồ Phja Gào (xã Đức Long, huyện Hòa An), thân đập và bờ kè đá đã không còn vững chắc, nước thấm qua rất nhiều, một số vị trí bề mặt xếp đá bị xô lệch, đá bật lên.
Tại một số mương dẫn, điều tiết nước từ hồ đi các kênh nội đồng cũng bị vỡ, nước chảy vương vãi khi bơm. Ông Hoàng Văn Đạo (xã Đức Long) chia sẻ: "Theo tôi được biết, hồ Phja Gào xây dựng từ những năm 1980, hỏng hóc lâu lắm rồi nhưng thấy các đoàn cứ đến kiểm tra rồi lại để đấy, chưa thấy sửa. Sống ngay hạ nguồn dòng chảy, người dân chúng tôi rất lo lắng".
Theo tìm hiểu, vào đầu mùa mưa năm nay (hồi tháng 6.2024), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng đã đi kiểm tra các hồ thủy lợi và kết luận 9/23 đập, hồ chứa nước có một số hạng mục hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn, cần đầu sớm đầu tư, sửa chữa.
Tuy nhiên, các công trình này lại đang "gồng gánh", hứng chịu liên tiếp nhiều đợt mưa lớn trong đó có cả hoàn lưu bão số 3 (Yagi) vừa qua với những hạng mục đã xuống cấp, hỏng hóc.
Thông tin đến PV, đại diện Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng) cho hay, đa phần các hồ đập trên địa bàn tỉnh xây dựng đã lâu, dung tích chứa nước không quá lớn, vận hành chủ yếu theo tự nhiên, tự xả tràn.
Mặt khác, kinh phí để cải tạo các hồ là khá lớn nên các đơn vị đã nhiều lần kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh Cao Bằng để được bố trí nguồn vốn sửa chữa.
Dựa trên tình hình thực tiễn, Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo và đề xuất kiến nghị gửi các cấp lãnh đạo, trong đó mong Cục Thủy lợi quan tâm, báo cáo Bộ NNPTNT xem xét, hỗ trợ kinh phí hàng năm cho tỉnh để thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp, bảo trì...) với tổng nhu cầu kinh phí gần 592 tỉ đồng.