Hành trình cùng 8 hộ dân "tìm lại đất" ở Phú Thọ

15/08/2024 14:08

Sau hơn 1 thập niên mất nhà, mất đất vì dự án nâng cấp đê tả, đê hữu ngòi cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê, 8 hộ dân của xã Điêu Lương đã chính thức được tỉnh Phú Thọ chấp thuận cấp trả lại đất.

135-2-1723705737.jpg
Toàn cảnh tuyến đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ, xã Điêu Lương. Ảnh: TÔ CÔNG.

Nhiều năm ngược xuôi kêu cứu

Được triển khai từ năm 2011 tại xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, dự án Nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê có tổng mức đầu tư là hơn 100 tỉ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư dự án.

Đó là lần đầu tiên, một dự án lớn như thế về đến vùng quê nghèo Điêu Lương, từ cấp ủy, chính quyền cho đến người dân trên địa bàn xã, ai nấy cũng vui mừng, hy vọng "đại dự án" sẽ khiến bộ mặt nông thôn thay đổi, giúp quê hương phát triển kinh tế - xã hội.

Từ niềm hy vọng đó, người dân đã không mảy may suy nghĩ việc hiến đất để giải phóng mặt bằng cho dự án. Rất nhanh sau khi khởi công, hàng chục hécta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa và hàng nghìn mét vuông các loại đất khác được hiến cho dự án.

Đến năm 2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản cho dừng thực hiện dự án. Điều này đã để lại sự hụt hẫng, tiếc nuối cho hàng nghìn người dân xã Điêu Lương.

Nhiều năm trôi qua, hiện trạng tuyến đường trên đê Ngòi Cỏ ngày càng xuống cấp. Đặc biệt, có 8 hộ dân mất đất, mất nhà để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đê trăm tỉ nêu trên cho đến nay vẫn chưa được tái định cư, cấp trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về việc này, 8 hộ dân kể trên đã nhiều năm liền "ôm hồ sơ" đi "gõ các cửa", mất rất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng không có kết quả, cả thảy 8 hộ đều khó khăn về kinh tế, sự việc kéo dài cả thập kỷ kể từ khi mất đất khiến họ kiệt quệ hơn.

"Những năm qua, không biết đã bao nhiêu cuốc xe chở cả người và đơn thư đi đến các cơ quan để phản ánh, thế nhưng kết quả không như mong đợi. Có thể nói là mệt mỏi, bức xúc dai dẳng hết năm này qua năm khác. Phải đến khi Báo Lao Động vào cuộc với một loạt bài viết, các cơ quan từ trên xuống dưới mới thực sự bắt tay vào gỡ rối dần dần" - bà Bùi Thị Thiết - 1 trong 8 hộ dân kể lại với phóng viên.

Tháo gỡ từng nút thắt

135-1-1723705782.jpg
8 hộ dân liên tục phản ánh tới Báo Lao Động. Ảnh: TÔ CÔNG

Bắt đầu từ tháng 11.2022, Báo Lao Động phản ánh bài viết đầu tiên về vụ việc trên với tựa đề: "Dự án đê trăm tỉ dừng thi công 5 năm, dân ước gì đừng làm" và sau đó là một loạt bài viết, phản ánh về những góc khuất, những hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của người dân đằng sau việc dự án đê Ngòi Cỏ "chết yểu".

Ngày 8.12.2022, trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến dự án Nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê tại kỳ họp thứ Năm - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho hay, lý do dự án dừng lại năm 2017 là do thiếu vốn (bố trí vốn được 48% trong tổng mức đầu tư), vì vậy chỉ đắp phần thân đê để đảm bảo cao trình chống lũ.

Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương đến tuyến đê Ngòi Cỏ kiểm tra và xác định quy trình thu hồi, bồi thường, giao tái định cư của 8 hộ dân có lỗi của cơ quan Nhà nước (từ những năm đầu triển khai dự án).

Qua đó, các thành phần tham dự đã thống nhất ý kiến, báo cáo đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 hộ dân tương ứng diện tích đã thu hồi, miễn thu tiền sử dụng đất.

Sau đó, Thanh tra huyện Cẩm Khê cũng chỉ rõ, việc thu hồi đất của 8 hộ dân xã Điêu Lương để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê được triển khai từ năm 2011 - 2012. Đến năm 2015, UBND xã Điêu Lương đã bố trí quỹ đất để bồi thường cho các hộ dân, song đến nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, dẫn đến công dân gửi đơn kiến nghị, phản ánh kéo dài.

Theo kết luận, dự án không bố trí quỹ đất để xây dựng khu tái định cư, nhưng thực tế trong quá trình thi công thực hiện dự án đã thu hồi 1.133,6m2 đất ở, 1.237,6m2 đất vườn của 8 hộ. UBND xã Điêu Lương đã thoả thuận bồi thường bằng đất và tạm giao cho 8 hộ gia đình, cá nhân 3.369,9m2 đất tại vị trí khác, thuộc loại đất công ích 5% của xã.

Thế nhưng, sau khi tạm giao đất, UBND xã và cơ quan chuyên môn của huyện không lập biên bản tạm giao, chưa thống nhất được trình tự, thủ tục để lập phương án bồi thường bằng đất nên đến nay chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 hộ dân.

Để xảy ra tình trạng trên, cơ quan thanh tra chỉ rõ, thiếu sót trên trách nhiệm thuộc về Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án; UBND xã Điêu Lương; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Mang lại công lý cho 8 hộ dân

Về việc tuyến đường trên đê Ngòi Cỏ xuống cấp, đầu năm 2023, UBND huyện Cẩm Khê đã đầu tư gần 30 tỉ đồng để cải tạo. Hiện, tuyến đường dự án đã thi công xong hạng mục nền, toàn bộ đã được rải cấp phối đá dăm, chuẩn bị thảm nhựa mặt đường.

Về việc 8 hộ dân mất đất, ngày 15.7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn đã ký ban hành Quyết định số 1306 về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng và giao đất cho UBND huyện Cẩm Khê thực hiện giao đất ở tại khu Dục Mẻ, xã Điêu Lương.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ quyết định thu hồi diện tích 1.356,3m2 đất do UBND xã Điêu Lương quản lý (bao gồm: Đất bằng trồng cây hàng năm 649,2m2; đất giao thông 634,2m2 và đất thủy lợi 72,9m2) tại khu Dục Mỹ. Sau đó, chuyển mục đích sử dụng diện tích đất thu hồi nêu trên sang đất ở tại nông thôn và đất giao thông, giao cho UBND huyện Cẩm Khê, UBND xã Điêu Lương.

Từ đó, UBND tỉnh giao 700m đất ở tại nông thôn cho UBND huyện Cẩm Khê để thực hiện các thủ tục giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân; Giao 656,3m2 đất giao thông cho UBND xã Điêu Lương quản lý.

Theo Quyết định, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có giao đất cho UBND huyện Cẩm Khê tại thực địa; UBND huyện Cẩm Khê có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện và UBND xã Điêu Lương thực hiện các thủ tục giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Đầu tháng 8.2024, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hà Văn Lam - Chủ tịch UBND xã Điêu Lương - chia sẻ: "Hiện, các quy trình, thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 8 hộ dân đã hoàn thiện, chờ Chủ tịch UBND huyện ký quyết định giao đất nữa là xong. Rất cảm ơn Báo Lao Động đã giúp đỡ người dân".

Như vậy, sau 13 năm mất đất, với sự vào cuộc của Báo Lao Động, 8 hộ dân xã Điêu Lương đã chính thức được tỉnh Phú Thọ bố trí hoàn trả đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

TÔ ĐỨC CÔNG
Bạn đang đọc bài viết "Hành trình cùng 8 hộ dân "tìm lại đất" ở Phú Thọ" tại chuyên mục Đời sống.