Hàng triệu người già không có lương hưu chờ nhận tin vui

13/11/2023 08:50

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đối với những người già không có lương hưu, độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Chính phủ đang phấn đấu từng bước giảm dần đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Quyết định này được nhiều người già mong mỏi.

Hàng triệu người già không có lương hưu chờ nhận tin vui
Bà Lưu mong mỏi người già sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội ở độ tuổi 75. Ảnh: Lan Phương

“Chúng tôi sợ không đợi được”

Năm nay đã 76 tuổi, bà Lê Thị Lưu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) mang nhiều bệnh tật trong người. Dù đã có bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng, bà Lưu phải tốn vài triệu đồng tiền mua thuốc bên ngoài. Không có lương hưu, bà sống phụ thuộc vào các con.

“Nếu Nhà nước có thể triển khai chính sách dành cho những người già không có lương hưu như tôi thì mừng quá! Tuổi này mà phải chờ đến 80 tuổi thì quá lâu, chúng tôi không sợ không đợi được” - bà Lưu tâm sự.

Hằng ngày, ông Đặng Xuân Thụ (SN 1959) vẫn phải sửa chữa xe đạp để mưu sinh. Không tham gia BHXH tự nguyện, còn các con đều vất vả để lo cho cuộc sống riêng, ông Thụ đành phải tự lo cho bản thân.

Với ông Thụ, khoản tiền trợ cấp hưu trí xã hội tuy không nhiều nhưng cũng giúp ông có một khoản để trang trải cuộc sống.

“Mong Nhà nước giảm độ tuổi trợ cấp xuống để những người như tôi bớt khó khăn vất vả” - ông Thụ tâm sự.

Phấn đấu giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí

Tại chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) chia sẻ, qua quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 đã phát sinh một số bất cập nên cần sửa đổi kịp thời để theo xu hướng tiến bộ với hệ thống an sinh trên thế giới.

Đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, dự thảo luật lần này đã có những quy định mang tính đột phá. Trong đó, luật đưa vào nội dung trợ cấp hưu trí xã hội, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và phấn đấu từng bước giảm dần đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Mức hưởng giao cho Chính phủ quy định linh hoạt tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam - bày tỏ đồng tình trước đề xuất này.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).

Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người, tức khoảng 35% số người nghỉ hưu. Trong khi đó, Trung ương đặt mục tiêu 60% người nghỉ hưu được hỗ trợ tiền từ lưới an sinh đến năm 2030.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023.

LƯƠNG HẠNH