Người dân tỉnh Cao Bằng nhiều năm qua canh cánh nỗi lo khi sống dưới các hồ đập thủy lợi. Sự lo lắng này xuất phát từ việc các hồ đập tại Cao Bằng đã xây dựng từ lâu, trải qua thời gian dài sử dụng nên xuất hiện nhiều hư hỏng.
PV đã có buổi ghi nhận trực tiếp tại hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh) - một trong những hồ chứa nước quan trọng của tỉnh Cao Bằng. Hồ được xây dựng từ năm 1971 với diện tích mặt hồ khoảng 5ha, đảm bảo nước tưới cho 163ha đất sản xuất nông nghiệp. Trải qua thời gian dài sử dụng, dưới tác động của mưa bão, hiện nay hồ đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng. Tràn xả nước có hiện tượng thấm, nước chảy thành dòng ra một số vị trí xung yếu của bêtông đáy hồ.
Theo kết quả kiểm tra của ngành chuyên môn tỉnh Cao Bằng, tường dốc nước và nền đất đá dốc tràn của hồ Bản Viết có hệ số thấm lớn, vượt mức cho phép, nền phía dưới bản đáy bị rỗng.
Bên cạnh đó, đường quản lý là đường đất, vào mùa mưa thường lầy lội và sụt lún nhiều vị trí, nhà quản lý xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị phục vụ quản lý vận hành thiếu, chưa có thiết bị quan trắc.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng) đã khuyến nghị giải pháp xử lý khoan phụt chống thấm cho nền thân đập, tràn xả lũ, mở rộng đỉnh đập, sửa chữa đống đá thoát nước, lắp đặt thiết bị quan trắc và xây dựng lại nhà quản lý.
Một địa điểm khác là hồ Phia Gào, xã Đức Long (huyện Hòa An). Công trình này cũng bị thấm mạnh ở cao trình 1/3 chiều cao đập trở lên, mái đá lát thượng lưu bị sạt lở, mái hạ lưu và rãnh thoát nước bị hỏng, nhiều chỗ trên mái đập bị xói lở, và chưa có đống đá thoát nước.
Hơn 20 năm sống dưới hạ nguồn hồ Phia Gào, ông Hoàng Văn Đạo (xã Đức Long) đã chứng kiến hồ thủy lợi này xuống cấp từng ngày. Ông chia sẻ, hồ Phia Gào xây dựng từ những năm 1980, hỏng hóc lâu lắm rồi nhưng thấy các đoàn cứ đến kiểm tra rồi lại để đấy, chưa thấy sửa. Sống ngay hạ nguồn dòng chảy, ông cũng như mọi người dân trong xã rất lo lắng.
Hiện, hai công trình này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1421/QĐ-BNN ngày 7.4.2023, với tổng mức đầu tư hơn 50 tỉ đồng. Được biết, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đa phần có diện tích tưới nhỏ, phân tán. Các công trình nằm ở địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên rất dễ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Là một tỉnh miền núi, nguồn kinh phí của địa phương để phát triển thủy lợi rất hạn hẹp, việc sửa chữa, nâng cấp, và bảo trì các công trình này đòi hỏi nguồn vốn lớn, gây ra nhiều khó khăn.
Theo Chi cục Thủy lợi, kinh phí để cải tạo các hồ khá lớn, do đó các đơn vị đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng bố trí nguồn vốn sửa chữa.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, vào đầu mùa mưa năm 2024, đã có 9/23 đập và hồ chứa nước được kiểm tra và phát hiện một số hạng mục hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn. Sở đã đề xuất với các cấp lãnh đạo, mong Cục Thủy lợi quan tâm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét hỗ trợ kinh phí hàng năm nhằm sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp. Tổng nhu cầu kinh phí cho các hạng mục này gần 592 tỉ đồng.