Trao đổi với chúng tôi, Giàng A Hồng tự tin cho biết: "Qua công tác tuyên truyền, định hướng của cán bộ Đoàn các cấp trong các buổi sinh hoạt, đặc biệt là Ban Chấp hành Đoàn xã trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của địa phương, rồi qua tìm hiểu thông tin trên báo, đài, mạng xã hội..., tôi lựa chọn phát triển chăn nuôi trâu, bò làm hướng phát triển kinh tế cho mình. Tôi nhận thấy, đây là hướng đi phù hợp với sức khỏe và trình độ lao động của gia đình, tận dụng được thế mạnh đất đai rộng rãi, sẵn có để trồng cỏ, làm chuồng trại cũng như con giống”.
Lựa chọn được mô hình phù hợp, năm 2020, anh Hồng trồng 3 ha cỏ voi trên diện tích đất trống, đồi trọc gần trang trại để phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, anh mạnh dạn vay mượn thêm vốn, đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại với quy mô nuôi 30 con/lứa và mua thêm 3 con bò nái, 1 con trâu nái về nuôi cùng những con giống gia đình đã có sẵn từ trước. Sau hơn một năm chăm chỉ làm lụng, mô hình chăn nuôi của anh Hồng đã duy trì 23 con trâu, bò.
Nói về kinh nghiệm chăn nuôi và định hướng trong thời gian tới, anh Hồng chia sẻ: "Vốn là nông dân, chăn nuôi trâu, bò từ nhỏ và sau hơn một năm phát triển mô hình chăn nuôi bán chăn thả tôi thấy trâu, bò dễ chăm sóc, ít dịch bệnh hơn so với lợn hay các loại gia cầm. Trừ bệnh viêm da nổi cục và lở mồm long móng thì trâu, bò thường gặp bệnh tụ huyết trùng vào đầu mùa đôngvà cần thường xuyên tẩy giun sán để vật nuôi không bị gầy yếu nên việc chữa trị, tiêm phòng cũng đơn giản. Quan trọng là phải có thức ăn đủ, chăm những con mới đẻ để đảm bảo không chết khi còn yếu”.
Anh Hồng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chọn lọc gây nái để nhân đàn lên nữa. Đồng thời chăm sóc tốt đàn trâu, bò thương phẩm để sớm được xuất bán, thu hồi vốn trả bớt tiền gốc đã vay và mở rộng chuồng trại để nhân đàn.
Cùng với phát triển đàn trâu, bò, hàng năm anh Hồng còn cùng với gia đình tận dụng gần 1 ha ruộng bậc thang để gieo cấy 2 vụ/năm, thu về trên 90 bao thóc mỗi năm cùng với trồng 1 ha ngô đồi vừa đảm bảo lương thực cho gia đình vừa có thêm nguồn thức ăn tinh bột bổ sung; lấy nguồn rơm rạ, thân lá ngô làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc.
Nói về mô hình chăn nuôi trâu, bò của Giàng A Hồng, ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: Khởi nghiệp trên vùng đất khó, nơi người dân còn nghèo cả về vốn và kiến thức thì ban đầu luôn có những khó khăn, vất vả nhất định, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Giàng A Hồng đã trở thành tấm gương của tuổi trẻ địa phương.
Mô hình chăn nuôi gia súc của Giàng A Hồng tuy mới phát triển nhưng nhìn vào đàn vật nuôi sinh trưởng ổn định, béo đẹp, mỗi năm tăng lên gần chục con đã gợi mở con đường phát triển kinh tế cho nhiều thanh niên, nhiều hộ có cùng điều kiện mà đang bế tắc chưa tìm được hướng phát triển.
Đặc biệt, mô hình của Giàng A Hồng trở thành thực tiễn thuyết phục để nhiều thanh niên đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hiện thực hóa khát vọng của thế hệ trẻ về lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.