Gấp rút sửa chữa cao tốc hơn 10 nghìn tỉ trước khi thu phí

13/11/2024 15:03

Sau 10 năm khai thác, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dự kiến thu phí vào đầu năm 2025, việc sửa chữa đang được gấp rút triển khai.

Gấp rút sửa chữa cao tốc hơn 10 nghìn tỉ trước khi thu phí
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dự kiến được thu phí trong đầu năm 2025. Ảnh: Việt Bắc

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chính thức thông xe tháng 1.2014. Với chiều dài toàn tuyến 64 km, thời điểm đó, đây là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.

Sau 10 năm khai thác, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và 11 đoạn, tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác sẽ được triển khai thu phí, dự kiến ngay trong đầu năm 2025.

Ghi nhận thời điểm tháng 11.2024, trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nhiều đoạn hư hỏng và các công trình đảm bảo an toàn trên tuyến đang được sửa chữa, thay thế.

Những vị trí mặt đường sụt lún, bong tróc đã được cào bóc, thảm lại bê tông nhựa. Công nhân đang tiến hành sửa chữa các khe co giãn trên một số cầu. Việc thi công dự kiến hoàn thành trong tháng 12.2024.

Tuy vậy, việc sửa chữa mặt đường hư hỏng cũng chỉ được thi công theo kiểu "xôi đỗ", dẫn tới tình trạng vá víu xuất hiện trên toàn tuyến.

Mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khá lớn trong khi chất lượng mặt đường xuống cấp, hằn lún, hư hỏng. Ảnh: Việt Bắc.
Mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khá lớn trong khi chất lượng mặt đường xuống cấp, hằn lún, hư hỏng. Ảnh: Việt Bắc

Đoạn từ nút giao Sóc Sơn - Bắc Phú đến cuối tuyến chất lượng mặt đường khá xấu, tình trạng mặt đường nứt vỡ, hằn lún xuất hiện dày đặc. Trong khi đó, đoạn này thường có mật độ phương tiện lớn, tốc độ lưu thông tối đa cho phép 90 km/h.

Anh Trần Lê Hùng (Bắc Ninh) cho biết, mặt đường nhiều đoạn gồ ghề, thậm chí hằn lún lớn rất nguy hiểm khi lưu thông với tốc độ cao. Việc xảy ra tai nạn trên tuyến cũng khá thường xuyên.

"Tôi nghĩ thu phí cũng là hợp lý nhưng cần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn và có phương án kiểm soát chặt chẽ về tải trọng", anh Hùng đề nghị.

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng trong nước. Từ thời điểm đưa vào khai thác đến nay, tuyến cao tốc này không thu phí.

Luật Đường bộ mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025 có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Các cơ quan quản lý đang tính toán mức thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc thu phí tại các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là phù hợp.

"Các tuyến đường này được đầu tư từ thuế của người dân nên mức thu phí cần giảm tối thiểu 30% so với mức thu phí tại các trạm BOT hiện hữu nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho các chủ phương tiện, mặt khác góp phần ổn định hoạt động vận tải", ông Thanh nhận định.

Một số hình ảnh ghi nhận:

Việc sửa chữa mặt đường hư hỏng được tiến hành từ nhiều tháng qua. Ảnh: Việt Bắc.

Việc sửa chữa mặt đường hư hỏng được tiến hành từ nhiều tháng qua. Ảnh: Việt Bắc

Các khe co giãn trên một số cầu được thay thế. Ảnh: Việt Bắc.

Các khe co giãn trên một số cầu được thay thế. Ảnh: Việt Bắc

Một số điểm đoạn đã thảm nhựa xong mặt đường, chờ sơn làn, kẻ vạch. Ảnh: Việt Bắc.

Một số điểm đoạn đã thảm nhựa xong mặt đường, chờ sơn làn, kẻ vạch. Ảnh: Việt Bắc

Tuy nhiên, trên chiều dài toàn tuyến chất lượng mặt đường vẫn khá xấu. Ảnh: Việt Bắc.

Tuy nhiên, trên chiều dài toàn tuyến, chất lượng mặt đường vẫn khá xấu. Ảnh: Việt Bắc

Việt Bắc