Dự án dự kiến thực hiện thuộc địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên do Liên danh Sông Hồng Tam Đảo - Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Hồng Tam Đảo - ký thể hiện các yếu tố nhạy cảm về môi trường liên quan đến việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73ha.
Theo thông tin từ báo cáo ĐTM, tổng diện tích thuê môi trường rừng cho dự án là 35,73ha trong thời gian 30 năm với quy mô như sau: Xây dựng mới công trình khách sạn (225 phòng - 450 người) và các khu Bungalow thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ kèm theo; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật: San nền thiết kế, cao độ phục vụ công tác quy hoạch giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy (PCCC), cây xanh, cảnh quan, vệ sinh môi trường...
Chủ đầu tư dự kiến xây dựng Khu Đài Quan sát; Khu cây xanh, Vườn hoa nghệ thuật, Rừng sinh thái tự nhiên; Xây dựng đường giao thông, bãi đỗ xe…
Cụ thể, khu công trình dịch vụ, công cộng được xây dựng trong diện tích 5.560,73 m2 chiếm tỉ lệ 1,57%. Chức năng là đất xây dựng công trình dịch vụ, công cộng. Có tầng cao tối đa: 03 tầng, chiều cao không quá 12m, mật độ xây dựng dự kiến: 60%.
Khu biệt thự nghỉ dưỡng bungalow có tổng diện tích 15.237,79 m2 chiếm tỉ lệ 4,29%. Có tầng cao tối đa: 02 tầng, chiều cao không quá 8 m, mật độ xây dựng dự kiến: 50%.
Khu đài quan sát có tổng diện tích 4.333,59 m2 chiếm tỉ lệ 1,22%. Có tầng cao tối đa: 01 tầng, mật độ xây dựng dự kiến: 10%
Khu cây xanh, vườn hoa nghệ thuật có tổng diện tích 59.053,08 m2 chiếm tỉ lệ 16,62%. Có tầng cao tối đa: 01 tầng, mật độ xây dựng dự kiến: 5%.
Với khách sạn giữa rừng Tam Đảo, chủ đầu tư dự kiến xây dựng khách sạn có 2 tầng hầm, 3 tầng nổi và 1 tầng tum với đầy đủ các dịch vụ như: Khu bể bơi, không gian sảnh, khu dịch vụ, phòng thay đồ, khu massage…
Tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỉ đồng. Dự kiến giai đoạn quý I/2024 - quý II/2025, dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý III/2025.
Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, kết quả điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững năm 2018 và kết quả điều tra ngoại nghiệp năm 2020 để xây dựng phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Tam Đảo, giai đoạn 2021-2030, Khu Du lịch sinh thái số 13 có hiện trạng chính như sau:
Khu vực chủ yếu là rừng tự nhiên với diện tích 34,77 ha (trong đó: rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá: 1,81ha, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa: 32,96 ha); diện tích chưa thành rừng là 0,96 ha, bao gồm: đất trống có cây gỗ tái sinh và đất khác.
Các hệ sinh thái chính được ghi nhận trong quá trình điều tra, khảo sát Khu Du lịch sinh thái số 13 như sau: Hệ sinh thái rừng: Là hệ sinh thái lớn chủ đạo với diện tích lớn, phân bố tập trung nhiều ở sườn phía Tây Nam của núi Rùng Rình. Hệ sinh thái này tạo nên cảnh quan, môi trường chủ yếu và chi phối sự phát triển của các hệ sinh thái khác trong khu vực.
Cũng theo ĐTM được chủ đầu tư trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua điều tra thực địa tại khu vực thực hiện dự án, phỏng vấn các cán bộ Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo, phỏng vấn người dân địa phương và nghiên cứu các tài liệu điều tra, thống kê các loài động vật trong khu vực dự án, bước đầu có thể đánh giá khu Du lịch sinh thái số 13 có hệ động vật rừng khá nghèo nàn, do từ trước khi thành lập Vườn quốc gia Tam Đảo thì tình trạng săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng trong khu vực các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo diễn ra khá mạnh.