Đường 2.000 tỉ đồng ở Yên Bái thi công ì ạch do vướng tài sản của người dân trên đất rừng

08/05/2024 19:43

Sau 2 năm triển khai, tuyến đường liên tỉnh kết nối Sơn La, Lai Châu, Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng và thanh lý tài sản trên đất rừng.

yen-bai-1-1715171742.jpg
Tuyến đường hơn 2.000 tỉ đồng giúp kết nối các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Tuyến đường kết nối tỉnh Sơn La, tỉnh Lai Châu và các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC15 có chiều dài gần 69km được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.

Dự án do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn; Công ty Cổ phần xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68; Công ty TNHH Tỉnh Đào; Công ty TNHH Hiệp Phú; Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Phong và Công ty TNHH Đồng Tiến đảm nhiệm thi công. Thời gian thực hiện dự án là 6 năm (2021 - 2026).

yen-bai-3-1715171799.jpg
Được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, con đường mang theo kì vọng phá thế độc đạo của Quốc lộ 32. Ảnh: Đinh Đại

Tuyến đường có điểm đầu tuyến thuộc địa phận xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, điểm cuối tuyến thuộc địa phận xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.

Dự án được khởi công vào ngày 1.1.2022 và dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2026 sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 32, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Nhưng đến nay, sau hơn 2 năm, dự án này vẫn đang thi công cầm chừng và mới chỉ làm được 2 cây cầu.

yen-bai-4-1715171886.jpg
Người dân phải đối mặt nhiều rủi ro khi phải đi bè tre qua bên kia suối trước khi có cầu. Ảnh: Đinh Đại

Ghi nhận của Lao Động trong những ngày đầu tháng 5, một trong hai cây cầu nằm của dự án ở xã Phong Dụ Thượng đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Các công nhân cùng máy móc đang tích cực hoạt động ở những khu vực đã hoàn thành việc bàn giao mặt bằng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái cho biết: “Tuyến đường hiện nay thi công ì ạch do còn vướng mắc nhiều thủ tục. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.

Đến nay, đất rừng do Ban Quản lý rừng và UBND các xã quản lý chưa thực hiện xong công tác đấu giá tài sản trên đất rừng nên chưa tổ chức khai thác và bàn giao mặt bằng”.

noi-bai-lao-cai-17-1715172053.jpg
Một trong hai cây cầu của dự án khi hoàn thành sẽ giúp người dân 2 bờ đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Ảnh: Đinh Đại

Theo ông Cường, hiện nay vẫn còn một vài hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao tự nhận đất dự án thành đất của mình nên cản trở việc thi công. Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương tiến hành tuyên tuyền cho bà con hiểu để việc thi công sớm được triển khai.

“Công trình thi công trên vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở nên gây khó khăn trong công tác vận chuyển vật liệu. Ngoài ra, việc thời tiết thay đổi liên tục theo độ cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công”, ông Cường nói.

yen-bai-5-1715172173.jpg
Với những khu vực được bàn giao mặt bằng sạch, đơn vị sẽ tích cực thi công. Ảnh: Đinh Đại

Trong buổi kiểm tra cuối tháng 3.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: Đây là dự án có tác động lớn, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cần nỗ lực quyết tâm tổ chức phương án thi công để đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra.

Ông Trần Huy Tuấn cũng đề nghị đẩy mạnh vận động người dân tự nguyện thu hoạch cây cối, hoa màu đã trồng trên đất rừng để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị tổ chức thi công, nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

ĐINH ĐẠI