Đa dạng hình thức tuyên truyền
Công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật có vai trò then chốt trong việc xây dựng ý thức pháp lý và thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật. Trước đây, công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Hình thức phổ biến tuyên truyền chưa thực sự đa dạng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, một số hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng là trở ngại trong công tác tuyên truyền.
Đồng chí Vũ Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Xây dựng, kiểm tra, thi hành pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp chia sẻ: Công tác đổi mới trong phổ biến GDPL đang rất được quan tâm và thực hiện như xây dựng các nền tảng trực tuyến; sử dụng mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện; tạo nội dung tương tác sôi động trong các buổi tuyên truyền… Từ các giải pháp này, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từng bước trở nên hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ 2023 đến nay, Sở Tư pháp tổ chức 50 buổi tuyên truyền pháp luật cho 2.887 người dân tại các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; biên soạn 13 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật, in 205.400 bản cung cấp cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn 700 tài liệu, tình huống pháp luật (620 tình huống pháp luật, 80 tài liệu tuyên truyền), đăng tải trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang, trang thông tin điện tử Sở Tư pháp để các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng. Sở phối hợp với Báo Tuyên Quang, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chủ đề tuyên truyền pháp luật; biên soạn các tài liệu phát thanh gửi đến UBND cấp xã để thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật (TTVPL), nhất là đội ngũ tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 3.800 báo cáo viên pháp luật (BCVPL), tuyên truyền viên pháp luật trong đó có cả cán bộ đang công tác là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, lực lượng này được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng TTPBPL, góp phần quan trọng trong việc chuyển tải kiến thức pháp luật đến nhân dân.
Đổi mới tuyên truyền từ cơ sở
Theo đồng chí Lưu Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tư pháp huyện Sơn Dương, ngoài tuyên truyền miệng tại các hội nghị, cuộc họp khu dân cư, xóm, bản, công tác tuyên truyền đã ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn hình ảnh đồ họa, xây dựng video, phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị hay trên mạng xã hội, internet... Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên.
Chị Âu Thị Nhâm (dân tộc Cao Lan) ở thôn Cầu Đá, xã Chi Thiết chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong các cuộc họp thôn hoặc do các cơ quan chức năng, các ngành, đoàn thể phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức”.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Sơn Dương tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp được 303 buổi cho gần 21.000 lượt nghe; tuyên truyền trên sóng truyền thanh huyện và loa truyền thanh cơ sở 945 buổi; xây dựng các chuyên mục và đăng tải gần 50 tin, bài trên các trang thông tin điện tử; biên tập 2 chương trình với nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phục vụ tuyên truyền lưu động bằng xe lưu động…
Để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS hiệu quả hơn, cần xây dựng đội ngũ tuyên truyền là những người có uy tín trong cộng đồng (đặc biệt là người DTTS có uy tín). Đội ngũ này là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân.