Dự án đường liên kết vùng 4.120 tỷ đồng ở Hòa Bình: Nhà thầu “nằm chờ” mặt bằng

26/06/2024 14:31

(BĐT) - Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng, là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công đầu năm 2023. Đến thời điểm này, việc triển khai gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án đang gặp khó khăn, nếu không được khẩn trương tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình.

04-4454-1719387115.jpg
Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng chiều dài khoảng 50 km, tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Dự án trên có tổng chiều dài tuyến khoảng 50 km, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài hơn 30 km được khởi công tháng 2/2023; giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 12,3 km, hướng tuyến phát triển theo tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 hoàn thành thi công vào năm 2027, tuy nhiên, Chủ đầu tư đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm hình thành trục giao thông liên thông kết nối các vùng, giúp rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP. Hòa Bình - Kim Bôi, tăng cường khả năng kết nối, giao thương các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình - Phú Thọ - Sơn La với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia thông qua các tuyến đường hiện trạng và dự kiến đầu tư xây dựng. Tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch tại huyện Kim Bôi nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, thu hút khai thác các quỹ đất chưa sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình, từng bước hoàn thiện tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo quy hoạch…

Nhà thầu thi công gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án (Gói thầu Thi công xây dựng đoạn Kim Bôi - Hòa Bình từ Km0+00 - Km31+462) là Liên danh Công ty CP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn - Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 (gọi tắt là Liên danh Hoàng Sơn - Xây dựng 99). Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được Chủ đầu tư phê duyệt ngày 30/12/2022, Liên danh Hoàng Sơn - Xây dựng 99 trúng thầu với giá 1.666,226 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 60 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Bạch Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho hay, việc thực hiện Gói thầu đang gặp khó khăn do “rào cản” về mặt bằng. Tại Gói thầu, Xây dựng 99 đảm nhận phần công việc tương ứng giá trị hơn 140 tỷ đồng, nhưng hiện mới thực hiện được khối lượng tương ứng hơn 70 tỷ đồng. “Do vướng mặt bằng nên trên công trường, máy móc cũng như nhân công phải nằm chờ, thời gian thi công kéo dài”, ông Dương lo lắng.

Theo ông Dương, vì ách tắc này nên Xây dựng 99 đang phát sinh nhiều khoản chi phí nằm ngoài dự toán, chưa kể Nhà thầu còn phải “bỏ tiền túi” để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, mượn đất, thuê đất của dân để thi công…, tạo áp lực về tài chính rất lớn cho Nhà thầu.

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho hay, tương tự Xây dựng 99, Nhà thầu Hoàng Sơn cũng đang gặp khó khăn trong thi công do vướng mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Đúng là việc thi công gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án đang gặp khó khăn, mất nhiều thời gian do vướng mắc về mặt bằng, nhất là phải chờ đợi hướng dẫn mới trong thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án”. Theo ông Tâm, đến nay, tổng giá trị thi công trên tuyến đạt trên 50% kế hoạch.

Trước vướng mắc trên, về phía nhà thầu thi công, ông Dương cho hay, Xây dựng 99 sẽ tiếp tục bám sát Chủ đầu tư cùng với địa phương vận động người dân để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, “khơi thông” tiến độ thực hiện Gói thầu cũng như thúc đẩy tiến độ chung của toàn Dự án… Theo quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, Chính phủ sẽ có hướng dẫn thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Khi chuyển đổi được mục đích sử dụng đất rừng cũng sẽ giúp tháo gỡ được vấn đề đất đắp cho Dự án, bởi nguồn đất đắp này thuộc phần điều phối trong tuyến…

Như vậy, thách thức trên vẫn có thể tiếp tục tác động đến việc thúc đẩy tiến độ Dự án trong thời gian tới. Tại cuộc kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm của Tỉnh mới đây, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ông Long yêu cầu, các ngành, địa phương cần phải rõ vai trong quá trình phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc để hoàn thành Dự án, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển.

Việt Anh