Lễ hội Then Kin Pang năm 2025
Ngày 7/4, tại xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức khai mạc Lễ hội Then Kin Pang năm 2025. Lễ hội năm nay có chủ đề “Lời Then vọng mãi” với nhiều các hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Nổi bật là nghi thức dâng hương tại nhà Then; thi trình diễn trang phục; trình diễn 6 điệu xòe cổ; trưng bày không gian văn hóa dân tộc Thái; thi bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái (kéo sợi, đan lưới)
Xuất phát từ tín ngưỡng đa thần, lễ hội Then Kin Pang là một hình thức tín ngưỡng để người Thái thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh, từ đó bày tỏ ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, mong muốn bản mường no ấm, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, nhà nhà hạnh phúc... Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hoá đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá của người Thái trắng ở Lai Châu.

Theo tiếng Thái, Then có nghĩa là Trời, là con của trời, Kin là ăn, là uống và Pang là lễ hội; Then Kin Pang là mở hội để những người con nuôi dâng tín vật lên mường then, do ông Then, hay bà Then trong bản tổ chức. Mỗi dịp đầu tháng 3 âm lịch hằng năm, khi hoa pó mạ, hoa ban nở trên khắp các chiền non, người dân trong bản lại tổ chức lễ Then Kin Pang, để cầu cho mưa thuận gió hoà, trời yên vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người khoẻ mạnh, gia đình ấm no, bản mường hạnh phúc. Then không chỉ là một người thầy đáng kính, mà còn là một nghệ nhân giàu kiến thức văn hoá dân gian, có khả năng sáng tạo và truyền tải kiến thức tới toàn thể cộng đồng.
Dân tộc Thái là dân tộc có số dân đông nhất chiếm 30,5% tổng dân số toàn tỉnh Lai Châu. Dân tộc Thái có một kho tàng văn hoá văn nghệ vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, trong đó Lễ hội “Then Kin Pang” là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái khu vực Mường So, huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, năm 2000 Lễ hội Then Kin Pang được phục dựng và duy trì tổ chức ở quy mô cấp xã, cấp huyện cho đến ngày nay. Lễ hội đã khẳng định được giá trị, chiều sâu văn hoá và sức lan toả trong cộng đồng.
Then Kin Pang lần đầu được tổ chức với quy mô cấp tỉnh
Năm 2025, Lễ hội Then Kin Pang được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với sự tham gia của các huyện, thành phố trong tỉnh Lai Châu, đoàn huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và đặc biệt là sự tham gia của hơn 300 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của các huyện, thành phố, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày (6-7/4/2025) gồm phần lễ và phần hội, với nhiều các hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Thái. Nổi bật là nghi thức dâng hương tại nhà Then; thi trình diễn trang phục; trình diễn 6 điệu xòe cổ; trưng bày không gian văn hóa dân tộc Thái; thi bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái (kéo sợi, đan lưới)…
Chia sẻ tại lễ hội, ông Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh: Đến với Lễ hội, du khách được tận hưởng trọn vẹn không gian văn hoá truyền thống thu nhỏ của dân tộc Thái, được đánh thức vị giác bởi hương núi vị vị rừng của ẩm thực đặc trưng, được chiêm ngưỡng những cô gái Thái trong trang phục “xửa cỏm”, của vũ điệu Áp hô pang và đặc biệt hơn cả được thăng hoa trong nhịp bước điệu xoè và tận hưởng giai điệu Then – hai di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Các hoạt động tại lễ hội không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng. Với những giá trị đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu mong đồng bào dân tộc Thái nói riêng, nhân dân các dân tộc huyện Phong Thổ và tỉnh Lai Châu nói chung tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh trong phát triển kinh tế nhất là kinh tế du lịch, có như vậy văn hóa mới được bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, trọn vẹn nhất.
Sau Lễ khai mạc, Lễ hội tiếp tục diễn ra các hoạt động thi ẩm thực; trình diễn Áp hô pang (gội đầu); tái hiện cuộc sống sông nước của dân tộc Thái (quăng chài, thả lưới, cát chăm…); tái hiện té nước cầu may…