Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động những ngày giữa tháng 11, từ chân cầu Cốc Lếu xuôi về cầu Phú Thịnh, tại đường An Dương Vương và phía bên kia là đường Trần Hưng Đạo có rất nhiều luống rau xanh mọc lên dọc bãi bồi ven sông Hồng.
Phía dưới bãi đất bồi, người dân thực hiện trồng trọt, tưới nước, chăm sóc các luống rau vừa trồng. Có thời điểm, hàng trăm người dân đã đổ xô nhau đến canh tác tại đây.
Được biết, ngày 20.5, thành phố Lào Cai đã có văn bản về việc xử lý các trường hợp xâm canh, trồng cây dọc hai bên bãi nổi sông Hồng.
Ngày 7.6, UBND thành phố Lào Cai tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, di chuyển vật nuôi, cây trồng xâm canh trên diện tích bãi bồi dọc hai bên sông Hồng và hoàn thành trước ngày 10.7.2024.
Tuy nhiên, do diện tích xâm canh rộng, nhiều hộ dân chưa đồng thuận dẫn đến quá trình triển khai còn gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Thái (phường Cốc Lếu) cho biết: "Thành phố dọn dẹp, giải tỏa bãi bồi ven sông để không gian trở nên thoáng hơn và nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Nhưng do thiếu đất canh tác nên các hộ dân vẫn tiếp tục trồng trọt ở đây dù bị cấm".
Ông Trần Văn Tú - Chủ tịch UBND phường Lào Cai khẳng định, từ trước đến nay, địa phương chưa phê duyệt thủ tục nào về việc giao hay cho thuê đất bãi bồi cho tổ chức, cá nhân.
Theo ông Tú, không chỉ mỗi phường Lào Cai, mà ở tất cả các xã, phường của thành phố, người dân đều mong muốn được mượn hoặc thuê đất để trồng trọt. Việc người dân canh tác trên bãi bồi ven sông đã diễn ra được khoảng chục năm, thời điểm thành phố đang xây dựng bờ kè. Người dân phường nào thì sẽ trồng ở phường đó nên số lượng vi phạm rất lớn.
"Chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở suốt, cũng dựa trên cái lý cái tình. Tâm tư của bà con là trồng mấy luống rau để ăn hoặc gia tăng thu nhập cũng là chính đáng, nhưng chưa được cơ quan chức năng cho phép nên đành phải chịu.
Nếu đợt tới quy hoạch có phương án cho thuê, mượn, đến lúc đó người dân mới trồng trọt thỏa mái được", Chủ tịch UBND phường Lào Cai chia sẻ.
Ngày 13.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lào Cai Lê Công Toàn cho biết, UBND tỉnh giao UBND thành phố tuyên truyền, vận động các hộ dân tháo dỡ công trình, tài sản, thu hoạch hoa màu, vật nuôi trên diện tích bãi bồi sau bờ kè sông Hồng nhằm tạo không gian sáng, sạch, đẹp.
“Người dân cho rằng họ xuống khai hoang, trồng trọt trên bãi bồi nhiều năm nay nên có quyền sử dụng. Nhưng khu đất này hình thành do nước sông Hồng bồi lên, việc bà con xuống bãi bồi tự ý trồng cấy không đảm bảo an toàn. Vì sau kè có độ dốc cao, mỗi lần khi chuyển xuống rất vất vả. Thậm chí có những hộ phải tự làm thang để đi xuống.
Nếu không quản lý, khi xảy ra bão lũ, nước dâng lên mà dân ăn ở tại đó sẽ rất nguy hiểm, trách nhiệm sẽ thuộc về phía chính quyền”, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lào Cai nói.
Ông Lê Công Toàn cũng khẳng định, thành phố chỉ tiến hành giải tỏa các công trình, hoa màu chứ không thu hồi đất, bởi thực tế toàn bộ diện tích đất bãi bồi này chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào sử dụng.
Các xã, phường sẽ trực tiếp quản lý, không cho người dân lấn chiếm, sử dụng những phần đất đó. Việc các hộ dân tự ý canh tác dù đã có biển cấm sẽ giao cho địa phương xử lý.