Công trình tâm linh nơi biên giới
Đền Thượng, hay còn có tên Thánh Trần Từ, tọa lạc trên đồi Hiệu Hóa (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai). Ngôi đền cách Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai khoảng 500 m và được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1996.
Đền được xây dựng vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa (năm 1680 - 1705), thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Người dân sau này lập đền thờ Đức Thánh Trần tại đồi Thượng để ghi nhớ chiến công hiển hách của ông và cầu người giúp sức đánh đuổi giặc Thanh.
Hàng năm, rất nhiều người về đây dịp đầu năm để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Trần, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và cầu mong công danh, tài lộc trong năm mới.
Những ngày đầu tháng 10, có mặt tại di tích Đền Thượng, PV Báo Lao Động ghi nhận hoạt động thi công xây dựng diễn ra nhộn nhịp.
Qua quan sát, các dãy nhà chính hiện đã hoàn thiện, tượng thờ được di chuyển vào trong các ban để phục vụ hoạt động chiêm bái của du khách. Hiện chỉ còn một số hạng mục nhỏ như nhà điều hành, nhà vệ sinh đang triển khai những công đoạn cuối.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Di tích lịch sử này tồn tại rất lâu rồi. Vừa qua, đền dừng đón khách để mở rộng khang trang, sạch đẹp hơn so với trước kia. Điều này giúp người dân đến chiêm bái, thờ cúng có không gian thoải mái và dễ chịu”.
Theo chị Hạnh, di tích này gần như được làm mới toàn bộ, từ các dãy nhà đến nội thất bên trong. Nhưng điều này không ảnh hưởng đến việc đến cúng bái Đức Thánh Trần.
Anh Bùi Văn Tuấn (đến từ Yên Bái) cũng chia sẻ: “Sau hàng trăm năm lịch sử, di tích vùng biên này đã khoác lên mình bộ áo mới. Hàng năm, gia đình tôi vẫn đến đây để cầu an, sức khỏe và ghi nhớ công lao chống giặc ngoại xâm của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc”.
Xây dựng bằng nguồn tiền công đức và xã hội hóa
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Thượng, Đền Am do Ban Quản lý Di tích thành phố Lào Cai làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí khoảng 47 tỉ đồng, được trích từ nguồn tiền công đức và xã hội hóa.
Thời gian thi công từ ngày 15.4, đơn vị đảm nhiệm là liên danh Công ty CP xây dựng dân dụng và công trình văn hóa Việt Nam và Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Thái Minh.
Được biết, ở lần trùng tu này, Đền Thượng và Đền Am sẽ được xây mới hoàn toàn, diện tích đền đều được mở rộng.
Với Đền Thượng, diện tích tòa đền chính sẽ tăng từ 151 m2 lên 251 m2; nhà tả vu, hữu vu tăng từ 51 m2 mỗi nhà lên 74 m2; sân đền mở rộng từ 230 m2 lên hơn 300 m2 và làm mới cổng nghi môn nội cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác. Còn Đền Am, diện tích tăng từ 58,7 m2 lên 103 m2.
Ngày 5.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Lào Cai Ngô Ngọc Hà cho biết: “Hiện, công tác tu bổ, tôn tạo Đền Thượng và Đền Am gần như đã hoàn thiện, khối lượng công việc được khoảng 99%. Chỉ còn một số hạng mục nhỏ như công trình phụ trợ, nhà vệ sinh, nhà điều hành đang được gấp rút thi công”.
Theo ông Ngô Ngọc Hà, việc thi công có thể sẽ bị kéo dài đến cuối năm 2024. Nguyên nhân do liên quan đến quy hoạch tổng thể tại khu vực tổ 27, phường Lào Cai chứ không riêng Đền Thượng.
Vì vậy, đơn vị đang yêu cầu nhà thầu thi công hoàn trả mặt bằng để đối chiếu, điều chỉnh với quy hoạch tổng thể của cả quần thể Đền Thượng, sau đó mới triển khai làm tiếp.