
Điện Biên được coi là cái rốn của động đất tại Việt Nam. Ảnh: Quang Đạt
Liên quan đến trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar ngày 28.3 vừa qua, nhiều người tại tỉnh Điện Biên cũng tỏ ra lo lắng vì khu vực này cũng được coi là cái rốn của động đất tại nước ta. Trong lịch sử, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 2 trận động đất 6,9 và 6,7 độ richter - lớn nhất trong 100 năm qua tại Việt Nam.
Sáng 31.3, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trạm trưởng Trạm Địa chấn Quốc gia Điện Biên (thuộc Viện Vật lý địa cầu) - người đã có gần 40 năm theo dõi về động đất tại Điện Biên.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar vừa qua là trận động đất hiếm có trong lịch sử, hàng nghìn năm mới xảy ra 1 lần. Trận động đất tại Myanmar có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, thậm chí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng cảm nhận được vì tâm chấn của nó chỉ sâu có 10km.
Trong 100 năm trở lại đây thì 2 trận động đất lớn nhất tại Việt Nam đều xảy ra tại Điện Biên. Năm 1935, trận động đất mạnh 6,9 độ richter, tâm chấn nằm ở phía Nam lòng chảo Điện Biên và năm 1983 trận động đất mạnh 6,7 độ richter, tâm chấn ở huyện Tuần Giáo. Rất may cả 2 trận động đất nói trên đều không gây thiệt hại lớn vì thời điểm đó chưa có nhiều các công trình xây dựng hiện đại, chủ yếu là đồi núi.
Trận động đất năm 1935 xảy ra khi ở nước ta chưa có các thiết bị hiện đại để ghi nhận. Tuy nhiên, theo các tài liệu của Pháp và các tư liệu lịch sử thì không ghi nhận thiệt hại.
"Trận động đất năm 1983 thì tại tâm chấn huyện Tuần Giáo và khu vực lân cận cũng hầu như chưa có các công trình xây dựng, chỉ có một số công trình trụ sở chính quyền bị nứt và đất đá trên núi lăn xuống ruộng vườn của người dân. Nhà sàn, nhà gỗ của nhân dân cũng có tính chất thích ứng linh hoạt nên ít bị ảnh hưởng" - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Thái Sơn trao đổi với phóng viên về mức độ ảnh hưởng của trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar. Ảnh: Thanh Bình
Cũng theo ông Sơn, Điện Biên được coi là cái rốn của động đất tại Việt Nam vì các trận động đất từ 4 - 5 độ richter xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật lý địa cầu, tại Điện Biên không có khả năng xảy ra các trận động đất lớn hơn 7 độ richter.
Về nguyên nhân khu vực này hay xảy ra động đất, ông Sơn cho rằng, do nằm Điện Biên trên 2 đứt gãy địa chất lớn vẫn thường xuyên hoạt động là đứt gãy Lai Châu - Điện Biên chạy qua khu vực lòng chảo Điện Biên sang Lào và đứt gãy địa chất Sông Mã - Sơn La chạy qua khu vực huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên Đông.
"Trên thế giới có 2 vành đai động đất chính hoạt động mạnh là vành đai Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Việt Nam không nằm trong 2 vành đai này nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Khu vực Tây Bắc, nhất là Điện Biên và Lai Châu là khu vực hoạt động địa chất mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các trận động đất lớn tại Việt Nam chủ yếu xảy ra tại Điện Biên và vùng Tây Bắc" - ông Sơn cho biết thêm.
Ngoài ra, theo ông Sơn nguyên nhân gây ra động đất thường xuyên tại vùng Tây Bắc còn do ảnh hưởng của các thủy điện lớn. Khi các nhà máy thủy điện tích nước cũng gây ra các trận động đất kích thích. Như khi tích nước lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đã xảy ra động đất 4,9 độ richter và khi tích nước lòng hồ Thủy điện Sơn La cũng xảy ra động đất 4,7 độ richter...