Đào tạo nghề mở lối thoát nghèo cho lao động ở Hà Giang

05/02/2025 14:46

Đào tạo nghề, liên kết với các đơn vị tuyển dụng tìm đầu ra cho học viên đã giúp tạo việc làm cho nhiều lao động vùng cao tại tỉnh Hà Giang, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đào tạo nghề mở lối thoát nghèo cho lao động ở Hà Giang

Tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề và tạo việc làm sau khi học, cho thanh niên, lao động tại huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: Văn Tùng

Sau thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ, anh Cháng Mí Tủa, xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) chuẩn bị những vật dụng cần thiết để trở lại với công việc đã làm ổn định hơn nửa năm qua. Hiện tại, anh Tủa đang có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng trong một đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh.

“Không có sự tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề thì chắc tôi vẫn đang đi nương rẫy với thu nhập ít ỏi. Năm 2022, qua giới thiệu của huyện Quản Bạ tôi đi học tại trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam sau đó thì được bố trí luôn công việc. Nhờ có việc làm ổn định nên tôi tích góp được tiền để sửa nhà và lo cho cuộc sống gia đình” - anh Tủa tâm sự.

Trong những năm qua huyện Quản Bạ và Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã rất thành công trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm trường tuyển sinh được từ 50 đến 80 người tại huyện Quản Bạ vào học tập và làm việc tại tập đoàn.

Anh Trần Công Đức - chuyên viên tuyển sinh Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam - cho biết, tại các ngày hội việc làm do địa phương tổ chức là cơ hội để đơn vị tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền vận động người lao động đi học tập và làm việc tại tập đoàn.

“Học viên được miễn 100% học phí, hỗ trợ ăn ở, được đào tạo bài bản trong môi trường chuyên nghiệp và có mức lương hấp dẫn từ 18 - 25 triệu đồng/người/tháng sau khi tốt nghiệp” - anh Đức thông tin.

Bên cạnh đó, huyện Quản Bạ đã mở 33 lớp đào tạo nghề với 1.150 học viên tham gia, tập trung vào các nghề phù hợp với nhu cầu địa phương như nuôi và cung ứng sản phẩm từ trâu, bò, ngựa, các nghề nấu ăn, du lịch sinh thái và cộng đồng, sửa chữa máy nông cụ.

Ông Đỗ Quang Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ - cho biết, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt liên doanh, liên kết với các đơn vị, nhà tuyển dụng để người lao động sau khi học nghề có cơ hội tìm được việc làm phù hợp” - ông Dũng cho hay.

Riêng trong năm 2024, tỉnh Hà Giang đã giải quyết việc làm cho trên 30.500 lao động, vượt 167% kế hoạch. Trong đó, tuyển sinh đào tạo nghề cho 13.800 người, các ngành nghề được đào tạo phong phú, từ trình độ sơ cấp ngắn hạn đến trung cấp và cao đẳng, với tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%.

Việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường được địa phương này xác định ngay từ đầu khi ngành lao động đã chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của hơn 3.800 gia đình và 50 doanh nghiệp, từ đó xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế.

 

Nguyễn Tùng