“Đánh thức” tiềm năng du lịch Tủa Chùa

14/05/2022 06:11

Huyện Tủa Chùa có lợi thế phát triển du lịch - dịch vụ với nhiều danh lam thắng cảnh và những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những năm qua, việc phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Tiềm năng hiện có

Hiện nay, huyện Tủa Chùa có 3 hang động được công nhận Di sản Văn hóa cấp quốc gia gồm: Hang động Xá Nhè và Khó Chua La (xã Xá Nhè); hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só) được hình thành do biến động địa chất cách đây hàng triệu năm, bao bọc xung quanh là hệ thống rừng tự nhiên.

Rừng thông rộng 47ha trên địa bàn xã Trung Thu thích hợp cho các hoạt động leo núi, cắm trại. Bãi đá cổ Tả Phìn (xã Tả Phìn) là điểm đến hấp dẫn những du khách ưa phám phá. Tại xã Sín Chải có rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi vừa được công nhận là Cây di sản quốc gia. Đến đây, khách du lịch có thể hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống yên bình, không khí trong lành, mát mẻ và trải nghiệm thực tế công việc hái chè cây cao, tự tay sao chè và thưởng thức vị chè đậm đà hương vị núi cao.

Bên cạnh đó, huyện Tủa Chùa có diện tích lòng hồ Thủy điện Sơn La kéo dài từ TX. Mường Lay đến huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch đường thủy, du ngoạn lòng hồ, ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.

kinh-nghiem-du-lich-tua-chua-dien-bien-5-1652453317.jpg
Tủa Chùa đem đến một cảm giác bình yên rất "lạ", rất "khó tả". Sự đơn sơ, mộc mạc nằm giữa lưng chừng núi, trải dài dưới những cánh đồng thơ mộng hay nằm yên giữa những thung lũng bất tận.

Tủa Chùa có 7 dân tộc sinh sống, gồm: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá. Trong đó dân tộc Mông chiếm 73%, vì lẽ đó mà Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mông. Đặc trưng hấp dẫn du khách là trải nghiệm chợ phiên vùng cao tại 2 xã: Tả Sìn Thàng (họp ngày Tý, Ngọ); Xá Nhè (họp ngày Mão, Dậu) và chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần tại thị trấn Tủa Chùa. Nơi đây hội tụ đủ màu sắc của các dân tộc trên địa bàn, là nơi mua bán, trao đổi những đặc sản địa phương như: Lợn cắp nách, rượu Mông Pê, gà xương đen, cá sông Đà, chè cổ thụ... và các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Ông Thào A Dè, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết: Chợ phiên Tả Sìn Thàng là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc huyện Tủa Chùa. Mỗi phiên chợ thu hút hàng nghìn người bán, mua, tham quan và khách du lịch. Đối với khách du lịch, nhất là các bạn trẻ đến tham gia phiên chợ và thường lưu lại 1 - 2 ngày để có đủ thời gian khám phá vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và nét văn hóa dân tộc Mông tại các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa.

Để phát triển du lịch bền vững

“Đánh thức” tiềm năng du lịch và xây dựng du lịch dần trở thành ngành kinh tế chủ lực, năm 2018, Huyện ủy Tủa Chùa đã ban hành Nghị quyết số 32 về phát triển du lịch giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết. Từ năm 2018 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng về du lịch của huyện.

Đến nay, huyện đã có một số sản phẩm du lịch như: Xây dựng được một số tour, tuyến du lịch như: Du lịch khám phá Tủa Chùa 3 ngày 2 đêm; du lịch khám phá lòng hồ sông Đà; xây dựng quy hoạch và một số mô hình điểm phát triển homestay tại 4 xã: Mường Báng, Tủa Thàng (homestay dân tộc Thái) và Tả Phìn, Xá Nhè (homestay dân tộc Mông); gắn du lịch văn hóa với 3 chợ phiên: Thị trấn Tủa Chùa, Tả Sìn Thàng và Xá Nhè.

images2660752-th-tr-n-t-a-ch-a-2006-1652453329.jpg
Thị trấn Tủa Chùa đang hướng tới phát triển du lịch bền vững, hài hòa với thiên thiên.

Từ đầu năm 2022, UBND huyện Tủa Chùa đã tổ chức 2 đoàn công tác đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tổ chức các loại hình du lịch tại các tỉnh có điều kiện tự nhiên, thành phần dân tộc và văn hóa tương đồng như: Hà Giang và Lai Châu.

Thông qua các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, UBND huyện đã tìm hiểu, học tập cách thức tổ chức, vận hành, quản lý các mô hình, loại hình du lịch ở các tỉnh và so sánh với điều kiện thực tế ở địa phương, từ đó lựa chọn mô hình, cách thức triển khai phù hợp.

Sau các chuyến tham quan, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án các công trình huyện tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí phù hợp và đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng công trình cột cờ trên địa bàn huyện. Phòng Văn hóa - Thông tin khảo sát, xây dựng kế hoạch về triển khai mô hình homestay tại các xã như: Tả Sìn Thàng, Sín Chải (khu vực vùng chè cổ thụ) và khu vực rừng thông tại xã Trung Thu.

Đối với loại hình du lịch cộng đồng, phòng chuyên môn đang phối hợp với UBND các xã khảo sát, nghiên cứu triển khai tại một số bản thuộc các xã như: Mường Đun, Tủa Thàng (cộng đồng dân tộc Thái) và Sín Chải gắn với cây di sản quốc gia; Tả Phìn gắn với bãi đá cổ. UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức bố trí lại toàn bộ khu vực chợ thị trấn Tủa Chùa để tổ chức thành khu chợ đêm bài bản, chuyên nghiệp hút khách du lịch.

Cụ thể, các đơn vị sẽ tham mưu về việc bố trí các gian hàng hội tụ đầy đủ tính chất vùng miền, các dân tộc. Tại mỗi phiên chợ, ban tổ chức sẽ thiết kế sân khấu, trình diễn các tiết mục văn nghệ, giới thiệu các nết văn hóa đặc trừng của các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, các xã, thị trấn, thôn, bản tổ dân phố trên địa bàn huyện đã củng cố các đội văn nghệ và tổ chức tập luyện để phục vụ biểu diễn tại chợ đêm thị trấn vào tối thứ 7 hàng tuần.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Tủa Chùa là hoạt động trọng tâm đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBND huyện Tủa Chùa chú trọng thực hiện. Từ đầu năm đến nay, huyện Tủa Chùa đã đón nhiều đoàn công tác của các tập đoàn lớn, công ty, doanh nghiệp về du lịch đến khảo sát, thăm dò để đầu tư các dự án về du lịch trên địa bàn huyện. Đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Sun Group đã tổ chức khảo sát thực địa và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển du lịch tại Tủa Chùa.

Theo đó, Đoàn công tác đã đến khảo sát, nghiên cứu tại các địa điểm: Hang động cấp Quốc gia Khó Chua La; Cao nguyên đá cổ Tả Phìn; rừng chè cổ thụ Tuyết San xã Sín Chải; công trình lòng hồ Thủy điện Sơn La tại thôn Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng) và thôn Pa Phông (xã Huổi Só); cánh đồng Háng Khúa... Qua khảo sát, các địa điểm, lãnh đạo Tập đoàn Sun Group đánh giá Tủa Chùa là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch, mong muốn thời gian tới được tìm hiểu thêm các thông tin về phong tục tập quán, lễ hội tại địa phương, để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây.

Bên cạnh đó, huyện Tủa Chùa tiếp tục tập trung tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và các website du lịch, mạng xã hội để thu hút du khách, nhà đầu tư đến với Tủa Chùa. UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, chính quyền các xã, thị trấn, cộng đồng thôn, bản về phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch; phương pháp xây dựng mô hình du lịch homestay...

Phạm Trung
Bạn đang đọc bài viết "“Đánh thức” tiềm năng du lịch Tủa Chùa" tại chuyên mục Tây bắc xanh.