Hối hận vì trót bán đất
Báo Lao Động nhận được đơn thư phản ánh của người dân khu 7, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa về việc hơn 1,4 hecta đất trồng lúa sau khi được doanh nghiệp mời mọc và thu mua thành công đã không giữ đúng lời hứa xây dựng khu du lịch sinh thái, thay vào đó là chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác để xây dựng xưởng sản xuất gỗ ép quy mô lớn.
Cụ thể, theo đơn thư phản ánh của người dân, năm 2019, trong cuộc họp Chi bộ và cuộc họp khu dân cư số 7, trước sự chứng kiến của chính quyền xã, Công ty TNHH Khánh An Phú Thọ (Công ty Khánh An) thỏa thuận với người dân về việc chuyển nhượng diện tích đất trồng lúa thuộc cánh đồng Bồ Hòn để làm khu du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Ngọc Toản (58 tuổi) - người dân sống tại khu 7, xã Ấm Hạ - kể lại, cuộc gặp mặt của Công ty Khánh An (đại diện là ông Bùi Thế Anh - Giám đốc công ty) và người dân có mặt của Chủ tịch UBND xã - ông Phạm Quốc Đại, cán bộ Địa chính xã - ông Dương Quang Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn - bà Nguyễn Thị Liên.
Tại đây, Công ty Khánh An đã đưa ra bản vẽ thiết kế khu du lịch sinh thái, cùng với đó là những lời hứa hẹn về cơ hội việc làm cho người dân sau khi bán đất. Xét thấy việc trên sẽ phát triển kinh tế - xã hội..., các hộ dân đã nhất trí bán đi hơn 1 hecta đất trồng lúa.
"Sau đó, ông Bùi Thế Anh - Giám đốc Công ty Khánh An đã đến từng nhà để thu thập sổ đỏ của người dân, lo toàn bộ thủ tục chuyển nhượng đất sang tên cho bà Bùi Thị Tuyết Minh (chị gái ruột của ông Thế Anh). Chúng tôi đã nghe theo và bán đất cho họ với giá 25 triệu đồng/sào ruộng" - ông Toản nói.
Đến ngày 7.7.2022, người dân "tá hỏa" khi phát hiện khu vực đất trên đang tiến hành đào móng xây công trình công nghiệp, tìm hiểu được biết là xây dựng xưởng sản xuất gỗ ép.
Sau đó, người dân đã phản đối việc Công ty Khánh An không giữ lời hứa là sẽ xây dựng Khu du lịch sinh thái. Đồng thời đưa ra quan điểm không nhất trí cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào xây dựng xưởng ép gỗ trên diện tích đất đã bán đi.
Lý do được người dân đưa ra là vì việc xây dựng xưởng ép gỗ "sát vách" khu dân cư (nhiều nơi dưới 50m) nếu không được ngăn chặn sẽ khiến môi trường đất, nước và không khí bị ô nhiễm, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe...
Ông Đinh Quang Bình (47 tuổi), người dân tại khu 7, xã Ấm Hạ cho hay: "Vì tôi từng làm việc tại các xưởng ép ván nên biết rất ô nhiễm và độc hại. Độc hại ở chỗ, khi hoạt động, việc đốt lò, pha dung dịch keo để kết dích giữa các miếng ván sẽ gây ra mùi hôi, cay nồng nặc, có thể dẫn đến dị ứng nếu tiếp xúc với da".
Doanh nghiệp "tiền trảm, hậu tấu"
Ngày 16.7.2022, nhiều người dân sống tại khu 7 đã làm đơn tập thể gửi đến UBND xã Ấm Hạ đề nghị kiểm tra, rà soát và có câu trả lời thỏa đáng cho người dân về sự việc trên. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay phía UBND xã này vẫn "bặt vô âm tín", việc thi công xưởng ép gỗ vẫn đang được tiếp tục khiến người dân càng hoang mang, bức xúc.
Ngày 2.11, trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Phạm Quốc Đại - Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết, khoảng cuối năm 2018 đầu năm 2019, Công ty Khánh An có dự kiến xây dựng khu du lịch sinh thái, đã có báo cáo thuyết trình lên chính quyền địa phương, tuy nhiên vì một lý do nào đó, dự án đã không được các cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Theo ông Đại, đến năm 2022, Công ty TNHH Phương Chính Phú Thọ (Công ty Phương Chính) đã mua lại toàn bộ diện tích đất này. Về việc đang xây dựng nhà máy sản xuất ván ép, hiện tại doanh nghiệp này mới chỉ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chưa có các thủ tục, giấy phép để tiến hành thi công.
"Ngày 30.9, sau khi phát hiện công ty Phương Chính tiến hành đổ móng, UBND xã đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu tạm dừng hoạt động. Nay, khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, xã sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Đại khẳng định.