Một “Hạ Long trên núi”
Hồ Thác Bà là một trong bốn hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hồ Thác Bà được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc. Trong lòng hồ có đến trên 1.300 đồi, đảo lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng, trong đó có hình chín nàng tiên, mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn...
Bên cạnh đó là những dãy núi lớn và dài uốn lượn xung quanh mặt hồ tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà ít nơi nào có được. Không chỉ là "lá phổi xanh" từ bao đời nay, hồ Thác Bà đã gắn bó và mang lại đời sống ấm no cho bao người dân sống quanh vùng hồ.
Phong cảnh hữu tình, phong phú về nguồn lợi thủy sản, ven hồ còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Người dân nơi đây vẫn giữ được nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Nhiều lễ hội thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày, lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian độc đáo.
Ai đã một lần ghé thăm hồ Thác Bà chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và lưu luyến không quên một hồ Thác Bà trong xanh, nên thơ và kỳ vĩ. Một vùng đất chứa đựng biết bao nét đặc sắc văn hóa và sự thân thiện đến từ những con người chân chất, thật thà...
Ông James Chen - Du khách nước ngoài chia sẻ khi đến với hồ Thác Bà: Đây là lần đầu tiên tôi đến với hồ Thác Bà, Yên Bái, tôi cảm thấy rất bất ngờ với cảnh đẹp nơi đây. Tôi đã đi rất nhiều nơi, tham quan nhiều khu du lịch, thắng cảnh đẹp ở quê hương tôi và cả những quốc gia khác nhưng chưa có nơi nào làm tôi ấn tượng sâu sắc về phong cảnh và vẻ đẹp tự nhiên như ở đây. Cùng với việc tham quan các địa điểm du lịch, chúng tôi được trải nghiệm các hoạt động của người dân nuôi và đánh bắt cá, các phong tục truyền thống và sự thân thiện của người dân tại đây đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ quay trở lại cùng với những người thân của mình.
Điểm đến không thể bỏ qua
Tới trải nghiệm trên hồ, du khách sẽ không thể bỏ lỡ nhiều điểm dừng chân hấp dẫn, đặc biệt như khu du lịch sinh thái Ruby. Khu du lịch nằm cách trung tâm TP. Yên Bái khoảng 10km, nằm ngay bên bờ hồ Thác Bà, thuộc huyện Yên Bình. Không gian thoáng mát, trong lành, khung cảnh nên thơ, hữu tình giữa mây và núi cùng mênh mông sóng nước đã tạo nên điểm dừng chân hấp dẫn đối với nhiều du khách.
Đến với khu du lịch sinh thái Ruby hồ Thác Bà, du khách sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên trong lành, được thưởng ngoạn trọn vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của vùng núi rừng Tây Bắc như: Lênh đênh trên tàu ngắm nhìn động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, hệ thống đền, chùa Thác Ông, Thác Bà, Đại Cại… hay tham quan “đứa con đầu lòng” của ngành điện Việt Nam - Nhà máy Thủy điện Thác Bà, cũng như được thả hồn thư thái trong không khí mát mẻ giữa làn nước trong xanh.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách, khu du lịch sinh thái Ruby hồ Thác Bà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thú vị như: Đi xe máy nước, lướt ván bằng ca nô kéo, ca nô kéo diều bay, bập bênh nước...
Điểm nổi bật khác khi đến với khu du lịch sinh thái Ruby đó là du khách còn được thưởng thức những món ăn được chế biến từ các sản vật địa phương, và đặc sản Tây Bắc như thịt gà nấu măng chua, cơm lam, cá tép dầu chiên lá lốt hay các món ăn được chế biến từ những loại cá đặc sản được đánh bắt và nuôi trên chính vùng hồ…
Trải nghiệm du lịch cộng đồng thú vị
Hồ Thác Bà được xác định là 1 trong 48 địa điểm có tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch Quốc gia với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái hồ, cảnh quan và các giá trị văn hóa bản địa… hồ Thác Bà là vùng đất sinh sống của tộc người Kinh và các tộc người thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan...
Đồng bào các dân tộc nơi đây còn lưu giữ được khá phong phú những giá trị văn hóa truyền thống, đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng bên cạnh cảnh quan thiên nhiên vùng hồ.
Do vậy, ngoài phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch cộng đồng cũng đang là một trong những hình thức thu hút nhiều du khách tham gia trải nghiệm, mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời, góp phần bảo tồn văn hóa đa dạng của các dân tộc và giữ gìn cảnh quan tự nhiên nơi đây...
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Theo đó, phấn đấu đưa toàn Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế…
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ đó, huyện Yên Bình cùng các xã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng dựa trên việc tuyên truyền, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thông qua việc xây dựng các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, từ đó, phát huy được các nhân tố hạt nhân ở cơ sở trong việc phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ. Nhiều xã đã duy trì và phát triển được các đội văn nghệ quần chúng hoạt động đều đặn, hiệu quả, mang bản sắc riêng…
Bên cạnh chú trọng phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân gian, một trong những điểm nhấn trong việc phát triển du lịch hồ Thác Bà là đẩy mạnh xây dựng và quảng bá các sản phẩm OCOP đặc sản mang thương hiệu riêng của vùng hồ. Hiện tại, nhiều sản phẩm chế biến từ nguồn thủy sản hồ Thác Bà đã được thực hiện theo quy trình chế biến an toàn. Nhờ cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng với có thêm bàn tay kiến tạo của con người, đã khiến hồ Thác Bà càng trở nên kỳ vĩ và đầy hấp dẫn với du khách thập phương.