Việc khai thác vàng ở Mường Tè có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. |
Điểm nóng lại “nóng”
Ngày 16/9, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án giải tỏa các khu vực có hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè.
Cũng tại phương án này, chính quyền tỉnh Lai Châu đánh giá: Tình trạng khai thác vàng trái phép ở hai huyện: Sìn Hồ và Mường Tè thời gian qua có những diễn biến phức tạp.
Người dân thường tập trung về các bãi vàng hoạt động dưới nhiều hình thức, như khai thác thủ công, sử dụng máy móc, đào hầm, lò, ủ hóa vàng... Những hành vi trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường. Do đó cần được giải tỏa, đưa vào quản lý.
Thực tế, nhiều năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra tại các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Tân Uyên.
Tại huyện Mường Tè, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra đã lâu. Gần đây, tình trạng này càng “nóng” hơn ở khu vực Nậm Suổng (xã Vàng Sang) và Nậm Kha Á (xã Mù Cả).
Người dân bản Mít Nọi, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên xay vàng. |
Rầm rộ và nóng nhất là ở khu vực Nậm Kha Á. Khu vực này nằm sâu trong rừng phòng hộ, thuộc địa bàn giáp ranh giữa các xã: Mù Cả, Tà Tổng và Nậm Khao. “Vàng tặc” ngang nhiên dựng lán trại, thuê lao động, đưa máy móc đến để khai thác như “đại công trường”.
Theo ghi nhận vào những ngày đầu tháng 8, tại khu vực Nậm Kha Á có khoảng gần 200 phu vàng. Họ dựng lán trại bằng khung cây gỗ và phủ bạt, phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép.
Trong lán được chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Xung quanh khu vực làm vàng, đồi núi bị đào bới nham nhở. Hàng chục hầm vàng khoét sâu vào lòng đất.
Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè thừa nhận: “Thực trạng khai thác vàng trái phép ở huyện diễn ra từ nhiều năm với hai thành phần tham gia là dân địa phương và nhóm người có tổ chức ở nơi khác đến. Gần đây, tình trạng này trở nên nóng hơn tại các xã Vàng San và Mù Cả.
Nay thụt mai thò, nhiều trò đối phó
Khai thác vàng trái phép tại điểm Nậm Kha Á, xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Ảnh: Nguyễn Oanh |
Còn ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn còn 2 điểm nóng về tình trạng khai thác vàng trái phép là xã Noong Hẻo và Nậm Cuổi. Đa số là người dân địa phương tự ý vào khai thác. Ngoài ra còn có một số người từ nơi khác đến và thuê lao động địa phương”.
Cũng theo ông Bình, từ năm 2012, tỉnh Lai Châu đã cho đánh sập hầm lò tại các bãi vàng trên địa bàn huyện. Cũng vì thế hoạt động này lắng xuống. Song, đến cuối năm 2020, một số đối tượng lại tiếp tục đến khai phá, khơi thông cửa hang, đào bới để khai tác.
Tương tự, năm 2016, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành công văn thể hiện quyết tâm giải tỏa dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Pắc Ta, huyện Tân Uyên. Qua đó, các hầm khai thác vàng đã được lực lượng chức năng đánh sập.
Đến nay, tình trạng khai thác vàng tại Pắc Ta lại tiếp tục tái diễn, công khai hơn. Khu rừng phía trên bản Mít Nọi, xã Pắc Ta cũng vì thế mà nham nhở. Những chủ bưởng thuê người dân địa phương về khai thác. Thậm chí, họ còn thuê dân ở Mít Nọi xay hộ, vàng họ lấy, sãi thừa, người dân mót lại.
Ban đêm, giữa hoang vu núi rừng, những ánh điện từ các hầm vàng ở Pắc Ta hắt lên, lúc ẩn, lúc hiện. Tiếng máy nổ, máy đục hối hả vọng về.
Cuối tháng 4/2021, chúng tôi theo đoàn công tác của xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ để mục sở thị tình trạng khai thác vàng trái phép tại một điểm mà người dân quen gọi là “bãi vàng ông Hưởng”. Cả đoàn xuất phát từ 8 giờ sáng tại trụ sở UBND xã. Phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng, vượt núi, chúng tôi mới đến được điểm khai thác này.
Tuy nhiên, khi đến nơi, mọi hoạt động khai thác đều đã dừng. Khói lửa vẫn còn tại lán trại và trong hầm khai thác. Những phu vàng người địa phương đứng trong rừng theo dõi nhất cử, nhất động của chúng tôi.
Khi thấy đoàn công tác phá dỡ lán trại, một phu vàng phía trong rừng nói vọng lại: “Cùng là người dân với nhau, đừng làm như thế!”.
Khi đó, anh Lò Văn Ương, địa chính xã Noong Hẻo cho biết: Họ là người dân địa phương. Muốn vào điểm mỏ phải đi qua nhiều khu dân cư, rồi men theo con đường mòn giữa bản Phiêng Chại. Khắp nơi đều có “tai, mắt”, nên lực lượng chức năng đi đến đâu, phu vàng biết đến đó.
Theo ông Lò Văn Phắt, Trưởng Công an xã Noong Hẻo lúc bấy giờ thì các đối tượng khai thác nhờ có sự tiếp tay của người dân nên khi có người lạ đến, ngay lập tức toàn bộ mỏ vàng được “đánh động”. Từ máy móc đến con người đều ngừng hoạt động, di tản vào sâu trong rừng.
“Có đợt chúng tôi lên kiểm tra, đang đứng tại khu vực hầm thì các đối tượng lăn đá từ trên xuống ầm ầm. Không biết vì mục đích gì nhưng khả năng là họ đe dọa đoàn công tác”, ông Phắt cho biết.
Theo ông Lê Trọng Bình, tình trạng này dai dẳng là do địa hình hiểm trở, chỉ có duy nhất một tuyến đường độc đạo. Những người làm cảnh báo thường ở đầu bản, nên khi thấy người lạ đã sớm báo thông tin cho các đối tượng còn lại. Trong khi lực lượng chức năng lại mỏng nên không thể kiểm soát và thường xuyên kiểm tra.
Khó dứt điểm
Phá dỡ lán trại tại “Bãi vàng ông Hưởng”, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. |
Để đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, hướng đến dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép, ngày 3/11/2021, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 3565 về việc “tiếp tục đôn đốc, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
Tiếp đó, ngày 24/2, UBND tỉnh Lai Châu triển khai hỏa tốc Kế hoạch số 516 về việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng.
Mặc dù, chính quyền và lực lượng chức năng đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra, xử lý các lán trại, máy móc… nhưng hoạt động khai thác vàng trái phép ở Lai Châu vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng giải tỏa, ngăn chặn, đưa các đối tượng ra khỏi khu vực bãi vàng. Cùng với đó, nổ mìn để phá sập các hầm, lò trong vòng 15 ngày, kể từ 16/9”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo các sở, ngành sau khi giải tỏa, cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, không để các đối tượng trở lại thăm dò, khai thác tại những khu vực trước đó.