Cửa vào Tây Bắc mở toang từ những công trình giao thông nghìn tỉ

10/01/2024 17:53

Từ những công trình giao thông được đầu tư hàng trăm, nghìn tỉ đồng, thị xã Phú Thọ nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung đang dần trở thành điểm trung chuyển kết nối khu vực Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Tính liên kết vùng được đẩy mạnh tạo ra nhiều cơ hội để Phú Thọ phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

toan-canh-cao-toc-tu-1704883720.jpg
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ là công trình giao thông quan trọng giúp các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái kết nối với tỉnh Phú Thọ để đi Sân bay Nội Bài và các tỉnh, thành phố trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Tô Công.

Nhiều cơ hội cho thành phố tương lai

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Quyết định số 1657 phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Theo đó, công trình giao thông kết nối 2 tuyến cao tốc trên có chiều dài khoảng 2,6km, thiết kế với quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 1.100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Dự kiến, năm tuyến đường dự án cơ bản sẽ hoàn thành năm 2025.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động những ngày đầu năm, tại khu vực thuộc địa phận xã Hà Lộc, xã Phú Thọ của thị xã Phú Thọ được đầu tư công trình nghìn tỉ, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, mạng lưới giao thông hiện tại khá dày đặc.

cao-toc-tuyen-quang-1704883719.jpg
Từ điểm đầu cao tốc (thuộc tỉnh Tuyên Quang) đi thị xã Phú Thọ chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Ảnh: Tô Công.

Khu vực này có điểm cuối của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỉ đồng vừa được khánh thành cuối năm 2023 (thuộc địa phận xã Hà Lộc), lưu lượng giao thông từ Tuyên Quang sau này là Hà Giang (cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được xây dựng) về thị xã Phú Thọ để đi Sân bay Nội Bài, các tỉnh, thành phố và ngược lại sẽ rất lớn.

Ra khỏi cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đi thẳng sẽ là tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối gần với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khoảng 2,6km), kết nối xa hơn (qua cầu Ngọc Tháp) là các huyện phía bờ hữu sông Hồng của tỉnh Phú Thọ, xa hơn nữa là đi huyện Ba Vì (Hà Nội), tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La.

Cùng với đó, sát với điểm cuối của cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, sát với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cùng cắt ngang với tuyến đường Hồ Chí Minh là Đường tỉnh 315 và tuyến đường Hùng Vương. Đây là 2 tuyến đường chính kết nối thị xã Phú Thọ với khu công nghiệp Phú Hà và Quốc lộ 2, lưu lượng phương tiện rất lớn.

cuoi-tuyen-cao-toc-t-1704883719.jpg
Dù giữa trưa, nhưng lưu lượng phương tiện trên đường Hồ Chí Minh (gần điểm cuối cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ) vẫn rất đông. Ảnh: Tô Công.

Ngoài ra, xung quanh khu vực dự kiến sẽ xây dựng đường nối 2 tuyến cao tốc này còn có mạng lưới giao thông dày đặc với nhiều tuyến đường và cầu lớn nhỏ, kết nối thị xã Phú Thọ với các khu, cụm công nghiệp của nhiều huyện trên địa bàn tỉnh.

Với các công trình giao thông trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng đã và sẽ được đầu tư xây dựng tại thị xã Phú Thọ, tương lai thị xã sẽ như một trạm trung chuyển, cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, thị xã Phú Thọ sẽ là đô thị loại II, là thành phố trực thuộc tỉnh.

duong-giao-thong-xa-1704883719.jpg
Thị xã Phú Thọ sẽ trở thành một trạm trung chuyển trong tương lai. Ảnh: Tô Công.

Mở toang cánh cửa vào Tây Bắc với các công trình giao thông trăm tỉ, nghìn tỉ

Cùng với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vừa được khánh thành, tới đây, loạt công trình giao thông trọng điểm có tổng mức đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Các tuyến đường này sẽ giúp Phú Thọ tăng tính liên kết vùng với các tỉnh Tây Bắc, tạo động lực mới trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đầu tiên là tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái đang trong thời gian hoàn thiện.

Công trình này có tổng mức đầu tư gần 1.900 tỉ đồng (tuyến chính), được thiết kế xây dựng với chiều dài hơn 50km, trải dài từ huyện Tam Nông qua huyện Cẩm Khê, đến nút giao IC11 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận huyện Hạ Hòa đến địa phận tỉnh Yên Bái.

duong-giao-thong-lie-1704883719.jpg
Toàn cảnh tuyến đường liên vùng. Ảnh: Tô Công.

Tuyến đường liên vùng cùng với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Quốc lộ 32, Quốc lộ 32C hiện hữu sẽ giúp các huyện phía Tây - Tây Bắc Hà Nội, các huyện phía bờ hữu sông Hồng của Phú Thọ dễ dàng kết nối tỉnh Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc khác.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ (Chủ đầu tư), sau hơn 2 năm thi công, đến nay toàn tuyến đường liên vùng cơ bản đã thông tuyến, đang trong quá trình hoàn thiện trước khi đưa vào khai thác sử dụng.

Tiếp đó là tuyến đường dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B của tỉnh Phú Thọ đi Hòa Bình đang thi công qua địa phận huyện Thanh Sơn. Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 164 tỉ đồng do UBND huyện Thanh Thủy làm chủ đầu tư.

ngoi-nha-nam-giua-du-1704883720.jpg
Trên tuyến đường này, chỉ còn duy nhất một ngôi nhà nằm giữa quy hoạch chưa thể giải tỏa, còn lại cơ bản đã được thảm nhựa, rải đá dăm. Ảnh: Tô Công.

Đây là công trình giao thông quan trọng kết nối Quốc lộ 32 đoạn qua các huyện của tỉnh Phú Thọ với địa phận tỉnh Hòa Bình, sau này là kết nối với cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La). Ở giai đoạn xây dựng trước, tuyến đường đã trở thành công trình giao thông "xương sống", góp phần quan trọng vào sự phát triển của huyện du lịch Thanh Thủy và tỉnh Phú Thọ.

Hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại của Phú Thọ đã được khơi thông, khoảng cách giữa các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ, tỉnh lộ và giữa các khu - cụm công nghiệp của tỉnh được rút ngắn. Cùng với đó, tính liên kết vùng giữa Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc được đẩy mạnh... Phú Thọ đang có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Tô Công