Công nhân ở Điện Biên vỡ mộng xuất khẩu vì bị đem con bỏ chợ

12/11/2024 08:31

Công nhân ở Điện Biên vỡ mộng xuất khẩu vì bị đem con bỏ chợ

4-xuat-khau-lao-dong-1731375216.jpg

Công nhân ở Điện Biên vỡ mộng xuất khẩu vì bị đem con bỏ chợ

Nhiều người nghe quảng cáo đi làm việc ở Nga, sẽ có công việc tốt, có chế độ đãi ngộ nên đã bán tài sản để lấy tiền đi xuất khẩu lao động. Nhưng thực tế không như quảng cáo, người lao động gặp quá nhiều khó khăn, vất vả, công việc nặng nhọc, thu nhập thấp, chưa kể bị người sử dụng lao động lật lọng, bức ép, "ăn hiếp".

Bị lật lọng vì không phải làm việc ngày 8 tiếng mà làm đến 16 giờ/ngày; một tháng chỉ được nghỉ một ngày vào cuối tháng.

Sang tận Nga làm việc kiếm sống, nhưng chủ doanh nghiệp không trả lương theo cam kết trước đó của đơn vị tuyển dụng. Lương chỉ 6 triệu đồng/người/tháng, nhưng bị trừ ăn ở khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Nói bị "bức ép" là vì bị chủ doanh nghiệp bắt tăng ca tới 3 - 4 giờ sáng.

Bị "ăn hiếp" là vì khi công nhân Việt Nam không sống nổi muốn về, chủ doanh nghiệp bảo ai về phải có 70 triệu đồng để làm thủ tục. Rất may, anh chị em công nhân được cộng đồng người Việt Nam tại Nga hỗ trợ thông tin để làm thủ tục về nước. Chi phí cho chuyến trở về cũng mất 30 triệu đồng.

Vỡ mộng xuất khẩu lao động, họ trở về nước với hai bàn tay trắng và một đống nợ nần. Tiền bạc, tài sản không còn vì trước đó đã bán để "đầu tư" cho chuyến đi. Vậy có phải là lỗi của người lao động không, có phải do họ làm việc không tốt, năng suất lao động không cao?

Không phải như vậy, mà do họ bị hai đơn vị tư vấn, tuyển dụng "đem con bỏ chợ". Họ sang Nga làm việc mà không được bảo vệ, hỗ trợ, bị để mặc cho chủ doanh nghiệp đối xử bất công, trả lương và thời gian làm việc không đúng cam kết.

Hai đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Quốc tế Long Hưng và Công ty Cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế Vinaco.

Theo Phòng LĐTBXH huyện Tủa Chùa, huyện tổ chức buổi làm việc ngày 6.9.2024, nhưng đơn vị tư vấn tuyển dụng lại không có mặt.

Nhiều địa phương khác tổ chức xuất khẩu lao động rất có hiệu quả, người lao động làm việc có thu nhập khá, được hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích theo đúng hợp đồng. Đó là vì các đơn vị tư vấn, tuyển dụng làm việc có trách nhiệm với người lao động, có uy tín với đối tác.

Còn trường hợp lao động ở Điện Biên chịu thiệt thòi, trắng tay về nước, là do bị "đem con bỏ chợ".

Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải quyết, trả lại công bằng cho người lao động.

Lê Thanh Phong